HIẾN PHÁP VÀ BẢO HIẾN
Trong bối cảnh thảo luận về sửa đổi Hiến pháp 1992 đang được một số cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và giới học thuật quan tâm nhiều hơn gần đây, một số cuộc hội thảo được tổ chức liên quan đến chủ đề này trong mấy tuần qua.



Trong hai ngày 3 và 4/8, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu lập pháp (Uỷ ban thường vụ Quốc hội) và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật (VUSTA) tổ chức Hội thảo với tên gọi "Xây dựng tiêu chí, phương pháp tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992". Nhiều vấn đề đã được đề cập đến là: đã nên sửa đổi hay chưa, phạm vi nên sửa đổi (chính quyền địa phương, bầu cử...), thủ tục sửa đổi... Có vẻ như phạm vi thảo luận quá rộng và thiếu mục đích cụ thể.


 

Tuần trước đó, ngày 29 và 30/7, tại Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội cùng với Trường Luật, Đại học Vân Nam (Trung Quốc) cũng tổ chức hội thảo về Hiến pháp Việt Nam và Trung Quốc. Giáo sư Cừu Vĩnh Thắng từ Đại học Vân Nam có một bài trình bày khá lý thú về sự tiến triển của cơ chế bảo hiến, giám sát hiến pháp ở Trung Quốc. Một số vụ án bi thương (Tôn Chí Cương bị đánh chết, Đường Phúc Trân tự thiêu do bị phá huỷ nhà...) trong khoảng một thập niên qua đã dẫn đến sự "thức tỉnh" trong giới luật gia về chức năng của hiến pháp và bảo hiến ở quốc gia này. Tuy nhiên, lựa chọn mô hình "thanh tra hiến pháp" (theo cách dùng từ của tác giả) nào vẫn đang được giới học giả bàn luận. Dù theo mô hình nào, Giáo sư khẳng định, cũng không thể tiếp tục duy trì hiện trạng.

 

 

Bảo hiến và chủ nghĩa hiến pháp (trong đó giám sát tư pháp/ tài phán hiến pháp là hạt nhân) có mối liên hệ trực tiếp với bảo vệ tự do cá nhân. Quyền có cơ chế hữu hiệu bảo vệ quyền (effective remedy) chính là một nhân quyền căn bản đã được quy định tại Điều 8 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR - 1948).


 

 

Ảnh: Hội thảo ngày 3 & 4/8 tại Đà Nẵng (vietnamnet).


Các tin khác: