CÁC CƠ CHẾ BẢO VỆ NHÂN QUYỀN
Các cơ chế bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền (Human Rights Mechanisms) gồm có 3 cấp độ cơ bản: cấp độ quốc tế (của Liên hợp quốc), cấp Khu vực (châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á...) và cấp quốc gia. Ở đây chúng tôi giới thiệu khái quát về các các cơ chế này.

   

        Kể từ khi Liên hợp quốc ra đời (năm 1945) đến nay, một hệ thống đồ sộ các quyền con người, cả các quyền cá nhân và quyền tập thể, đã được ghi nhận bởi pháp luật quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, việc ghi nhận các quyền con người trong pháp luật là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Điều kiện đủ là phải có các biện pháp để bảo vệ các quyền khỏi bị vi phạm và thúc đẩy sự tôn trọng và thực hiện các quyền trên thực tế.

         Do các quyền con người rất phong phú và những vi phạm quyền rất đa dạng, được thực hiện bởi nhiều loại chủ thể (nhà nước, các pháp nhân và cá nhân) nên việc bảo vệ và thúc đẩy quyền đòi hỏi có sự tham gia của nhiều dạng chủ thể (cá nhân, cộng đồng, tổ chức phi chính phủ, cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế…) thông qua nhiều biện pháp, từ phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đến theo dõi, giám sát, và xử lý những hành vi vi phạm về quyền…

    Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm, nghĩa vụ của các nhà nước, song cũng là quyền và trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Điều này đã được nêu trong Tuyên bố của Liên hợp quốc về trách nhiệm bảo vệ quyền con người của mọi cá nhân, tổ chức (1998) cũng như nhiều văn kiện pháp lý quốc tế khác về quyền con người. Đây cũng là những vấn đề được quy định trong pháp luật của hầu hết quốc gia.

   Việc xác định các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể, đặc biệt là của các cá nhân, như nêu ở trên là rất quan trọng để bảo đảm hiện thực hóa các quyền con người trên thực tế. Tuy nhiên, ngay cả khi đã xác định được các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể thì việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người vẫn có thể vẫn chưa hiệu quả nếu không thiết lập được các cơ chế cho việc thực thi các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ đó.

   Trên lĩnh vực quyền con người, cụm từ “cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người”  (United Nations human rights mechanism) hay được sử dụng trong các tài liệu chuyên môn để chỉ bộ máy các cơ quan chuyên trách và hệ thống các quy tắc, thủ tục có liên quan do Liên hợp quốc thiết lập để thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người.

  Hiện tại, trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, ngoài cơ chế quốc tế (mà nòng cốt là cơ chế của Liên hợp quốc), còn có các cơ chế khu vực và quốc gia. Chương này đề cập và phân tích một cách khái quát những đặc trưng cơ bản của các cơ chế về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở cả ba cấp độ, trong đó phần dung lượng lớn nhất được dành cho cơ chế của Liên hợp quốc.

Ảnh: phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (Gieneva, Thụy Sỹ)


Chúng ta cùng lần lượt tìm hiểu về:

A. CƠ CHẾ QUỐC TẾ (LIÊN HỢP QUỐC)

B. CƠ CHẾ KHU VỰC

C. CƠ CHẾ QUỐC GIA



Các tin khác: