Lời kêu gọi thực thi quyền con người - hơn 3.700 chữ ký
Tính đến hôm nay, chỉ sau hơn 3 tháng kể từ ngày 25/12/2012), Lời kêu gọi thực thi quyền con người theo Hiến pháp Việt Nam đã được hơn 3.700 người ký tên (theo danh sách trên trang Bauxite Việt Nam).



Lời kêu gọi thực thi quyền con người theo Hiến pháp Việt Nam
, đề ngày 25/12/2012, được đăng tải trên nhiều trang tin điện tử, mà tập trung nhất tại trang Bauxit Việt Nam, không chỉ hướng đến các cơ quan công quyền, mà còn hướng đến toàn thể người dân Việt Nam trong và ngoài nước để "thực thi những quyền con người đã được Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và những Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ghi nhận và bảo đảm."  Mà đặc biệt là "quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo Điều 69 Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi bổ sung năm 2001) và theo Điều 19, Điều 21, Điều 22 về những quyền dân sự và chính trị trong Công ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập năm 1982."

Lời kêu gọi "yêu cầu Quốc hội Việt Nam hủy bỏ Điều 88 Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam về “tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” và Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/3/2005 “quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng”." Bởi lẽ Điều 88 BLHS là không phù hợp với quyền tự do ngôn luận đã được Hiến pháp ViệtNam và Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị ghi nhận và bảo đảm. "Việc người dân phản biện, phê phán Nhà nước, kiến nghị về luật pháp về chính sách, về bộ máy nhà nước… là những việc làm cần thiết và thường xuyên trong một nhà nước dân chủ, để xã hội tiến bộ. Nhưng với Điều 88 BLHS, công dân có bất cứ hành vi nào như vậy cũng có thể bị trừng trị. Nhiều công dân Việt Nam đã và đang bị khởi tố, truy tố, xét xử, bị án tù về tội danh này, khiến cho lòng dân bất bình, thế giới chê trách việc thực hiện nhân quyền ở Việt Nam."

Liên quan đến quyền biểu tình, Lời kêu gọi nhận định: "
Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/3/2005 thực chất là một nghị định cấm biểu tình được ban hành trái thẩm quyền và có nội dung vi hiến. Theo các điều 50, 51 Hiến pháp 1992 (được sửa đổi bổ sung năm 2001), quyền con người, quyền của công dân là do Hiến pháp và luật quy định, tức do Quốc hội quy định. Chính phủ không có quyền quy định những quyền đó, càng không có quyền hạn chế, ngăn cản, thậm chí cấm những quyền đó. ... trái các quy định của Hiến pháp hiện hành và Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị, nên phải được hủy bỏ ngay lập tức."

Lời kêu gọi hướng đến các thành phần cụ thể trong xã hội với những hành động cụ thể nên có:


"Chúng tôi kêu gọi toàn thể đồng bào yêu cầu chính quyền các cấp phải bảo đảm thực hiện đúng các quyền con người của công dân đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.


Chúng tôi đề nghị các luật sư, luật gia, giảng viên luật hãy giải thích sâu rộng quyền con người của công dân cho đồng bào, cho chính quyền, cho những lực lượng như công an, quân đội, dân phòng, cho các tổ chức thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… để mọi công dân Việt Nam được hưởng những quyền con người như những dân tộc khác trên thế giới, để những giới chức Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền con người cho đồng bào mình.


Chúng tôi kêu gọi cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ trong các cơ quan chức năng của Việt Nam tôn trọng và bảo đảm các quyền con người theo Hiến pháp Việt nam và Công ước quốc tế, không mù quáng tuân theo mệnh lệnh vi phạm quyền con người." (Truy cập tại trang Bauxite Việt Nam http://www.boxitvn.net/bai/43955, ngày 5/1/2013)


Những người khởi xướng kêu gọi ký tên vào Lời kêu gọi bằng cách gửi e-mail về địa chỉ loikeugoi2012@gmail.com, ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, chức danh (nếu có) và địa chỉ.


Theo trang Bauxite Việt Nam, sau 25 đợt ký tên đã có 3.783  người tham gia ủng hộ lời kêu gọi (  http://www.boxitvn.net/bai/46284 , ngày 17/4/2013). Những người ký tên gồm nhiều trí thức, nhà văn, nhà khoa học, luật gia có tên tuổi, cũng như nhiều thành phần nghề nghiệp như nông dân, công nhân, kỹ sư, thương nhân, sinh viên... Chắc chắn số lượng chữ ký sẽ còn gia tăng đáng kể trong thời gian tới.

Trong năm 2012, đã có hai chiến dịch vận động chữ ký vì nhân quyền tại Việt Nam do người Việt ở nước ngoài khởi xướng với số lượng hơn 100.000 chữ ký. Cũng trong năm ngoái, một cuộc thi tìm hiểu về quyền con người, do một "phong trào" trong nước khởi động, lại không nhận được hưởng ứng đáng kể. Điều này đã làm nhiều người nhận định tiêu cực về mối quan tâm của người dân trong nước. Tuy nhiên, Lời kêu gọi ngày 25/12/2012 đã phản ánh một diễn tiến trái ngược, sự quan tâm của người dân trong nước về các quyền tự do cơ bản đang ngày càng gia tăng, tâm lý e ngại đang lùi dần.

M.Q


Các tin khác: