TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN ASEAN - 2012
Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN được lãnh đạo các quốc gia thông qua vào ngày 18/11/2012 tại Phnompenh, Campuchia. Hiện nay, các tổ chức, cá nhân bảo vệ nhân quyền trong khu vực đang nỗ lực phổ biến bản Tuyên ngôn này. Văn kiện này có thể trở thành một công cụ quan trọng để vận động cho nhân quyền trong khu vực.


Cho dù không phải là một điều ước, Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN 2012 vẫn mang giá trị chính trị - pháp lý, cũng như giá trị đạo đức, nhất định. Tuyên ngôn này thể hiện cam kết của tất cả các quốc gia trong khối ASEAN (sẽ thành một cộng đồng chung vào năm 2015) trong lĩnh vực quyền con người. Dựa trên Tuyên bố này, các văn kiện khu vực khác về các quyền con người đang được nghiên cứu và thảo luận.

Tuyên ngôn, gồm 40 đoạn, có một số đặc điểm nổi bật sau:
- Bên cạnh hai nhóm quyền truyền thống (dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa), có ghi nhận hai quyền mới, nếu so với các văn kiện quốc tế và khu vực khác, là Quyền phát triển và Quyền hòa bình. Tuy nhiên, Tuyên ngôn này lại không nhắc đến quyền lập hội, dù có nhắc đến quyền tụ họp (đoạn 24).
- Thể hiện sự dè dặt, thận trọng của các quốc gia trong khu vực. Rõ nét nhất là tại đoạn 7, khẳng định việc thực thi quyền con người phải được xem xét trong bối cảnh quốc gia và khu vực, có tính đến "những khác biệt bối cảnh chính trị, kinh tế...". Tuy nhiên, liên quan đến phát triển, Tuyên ngôn có một khẳng định khá đặc sắc là: "việc chậm phát triển không thể được lấy làm lý do để biện bạch cho những vi phạm các quyền con người đã được quốc tế thừa nhận" (đoạn 35).

Trân trọng giới thiệu đến quý vị bản dịch tiếng Việt (tham khảo):




TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN ASEAN 

CHÚNG TÔI, những người đứng đầu Nhà nước/ Chính phủ của các Quốc gia thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (sau đây gọi tắt là “ASEAN”), gồm có Brunei Darussalam, Vương quốc Cambodia, Cộng hòa Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Malaysia, Cộng hòa Liên bang Myanmar, Cộng hòa Philippines, Cộng hòa Singapore, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vào dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 tại Phnom Penh, Cambodia.

TÁI KHẲNG ĐỊNH những cam kết của chúng tôi với các mục đích và nguyên tắc của ASEAN trong tinh thần Hiến chương ASEAN, đặc biệt với sự tôn trọng và thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và những tự do căn bản, cũng như các nguyên tắc của dân chủ, pháp quyền và quản trị tốt;

TÁI KHẲNG ĐỊNH HƠN NỮA cam kết của chúng tôi với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Hiến chương của Liên Hiệp quốc, Tuyên ngôn và Chương trình hành động Vienna, và các công ước nhân quyền quốc tế khác mà các quốc gia thành viên ASEAN là thành viên;

CŨNG KHẲNG ĐỊNH LẠI tầm quan trọng của các nỗ lực của ASEAN trong việc thúc đẩy các quyền con người, bao gồm Tuyên ngôn về Sự tiến bộ của Phụ nữ trong khu vực ASEAN và Tuyên ngôn về Xóa bỏ bạo lực chống lại Phụ nữ trong khu vực ASEAN;

TIN TƯỞNG rằng Tuyên ngôn này sẽ giúp thiết lập một bộ khung cho hợp tác nhân quyền trong khu vực và đóng góp vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN;

TỪ ĐÓ, TUYÊN BỐ NHƯ SAU:

NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và các quyền. Người ta được phú cho lý trí, lương tâm và cần đối xử với nhau trong tinh thần nhân bản.

2. Mọi người đều có các quyền và tự do được nêu ra trong tuyên ngôn này, mà không có bất kỳ sự phân biệt nào, chẳng hạn như về chủng tộc, giới, tuổi, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, vị thế kinh tế, sinh trưởng, khuyết tật hay những đặc điểm khác.

3. Mọi người đều có quyền được công nhận, ở bất cứ nơi nào, là một thể nhân trước pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi người đều được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng không có sự phân biệt đối xử nào.

4. Các quyền của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, công nhân nhập cư, và các nhóm dễ bị tổn thương và các nhóm bị gạt ra bên lề là một phần không thể tách rời, không thể thiếu và không thể phân chia trong các quyền con người và tự do căn bản.

5. Mọi người đều có quyền có một cơ chế bồi thường hiệu quả và hiệu lực, do một tòa án hay các cơ quan thẩm quyền phù hợp xác định, đối với những hành động vi phạm các quyền mà người đó được hiến pháp hay luật pháp trao cho.

6. Việc thụ hưởng các quyền con người và tự do căn bản phải cân bằng với việc thực thi các trách nhiệm liên quan vì mỗi người có trách nhiệm với tất cả các cá nhân khác, với cộng đồng và xã  hội mà người đó đang sống. Trách nhiệm chủ yếu thuộc về các quốc gia thành viên ASEAN trong việc thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền con người và tự do căn bản.

7. Tất cả các quyền con người là phổ quát, không thể phân chia, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau. Tất cả các quyền con người và tự do căn bản trong Tuyên ngôn này phải được nhìn nhận một cách công bằng và bình đẳng, trên cùng một cơ sở, với cùng một trọng tâm. Đồng thời, việc hiện thực hóa các quyền con người phải được xem xét trong bối cảnh khu vực và quốc gia, có tính đến những khác biệt về hoàn cảnh chính trị, kinh tế, luật pháp, xã hội, văn hóa, lịch sử và tôn giáo.

8. Các quyền con người và tự do căn bản của mỗi người phải được thực thi có cân nhắc đầy đủ đến các quyền con người và tự do căn bản của người khác. Việc thực thi các quyền con người và tự do căn bản chỉ có thể chịu những hạn chế bởi các biện pháp do pháp luật quy định với mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận thích đáng với các quyền con người và tự do căn bản của những người khác, và để thỏa mãn những yêu cầu chính đáng về an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe cộng đồng, đạo đức chung, cũng như phúc lợi chung của các dân tộc trong một xã hội dân chủ.

9. Trong khi thực thi các quyền con người và tự do căn bản trong Tuyên ngôn này, các nguyên tắc  công bằng, khách quan, không chọn lọc, không phân biệt đối xử, không đối đầu và tránh các tiêu chuẩn kép và chính trị hóa phải luôn luôn được giữ vững. Quá trình hiện thực hóa các quyền và tự do căn bản đó phải tính đến sự tham gia, tính hòa nhập của các dân tộc và nhu cầu về trách nhiệm giải trình.


CÁC QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ

10. Các quốc gia thành viên ASEAN khẳng định tất cả các quyền dân sự và chính trị trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Đặc biệt, các quốc gia thành viên ASEAN khẳng định các quyền và tự do căn bản sau đây:

11. Mọi người đều có quyền sống, quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai bị tước đoạt quyền sống, trừ khi theo luật quy định.

12. Mọi người đều có quyền tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị bắt bớ, bị lục soát, bị giam giữ trái phép, bị bắt cóc hay bất kỳ hình thức tước đoạt tự do nào khác.

13. Không ai bị nô dịch hay phải làm nô lệ dưới bất kỳ hình thức nào, hay trở thành đối tượng bị buôn bán, bao gồm buôn bán vì mục đích lấy nội tạng.

14. Không ai bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ nhục.

15. Mọi người đều có quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi biên giới quốc gia. Mọi người đều có quyền rời bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia của chính mình, và trở về quốc gia của mình.

16. Mọi người đều có quyền đề nghị cho tị nạn và tị nạn ở một quốc gia khác theo luật quốc gia đó và các điều ước quốc tế liên quan.

17. Mọi người đều có quyền sở hữu, sử dụng, cho tặng và vứt bỏ những tài sản sở hữu hợp pháp riêng hoặc chung với những người khác. Không ai bị tước đoạt những tài sản đó một cách trái phép.

18. Mọi người đều có quyền có quốc tịch theo luật quy định. Không ai bị tước quốc tịch một cách trái phép, hoặc bị từ chối quyền thay đổi quốc tịch đó.

19. Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, được xã hội và mỗi quốc gia thành viên ASEAN bảo vệ. Nam giới và phụ nữ đủ tuổi có quyền kết hôn dựa trên sự đồng ý một cách tự nguyện và đầy đủ của họ, để lập một gia đình hay để chấm dứt một cuộc hôn nhân, theo luật định.

20. (1) Mọi người bị cáo buộc về một tội hình sự phải được coi là vô tội cho đến khi được chứng mình là có tội theo luật, tại một phiên tòa xét xử công bằng và công khai, bởi một  tòa án có đủ năng lực, độc lập và vô tư, tại đó người bị buộc tội được đảm bảo quyền bào chữa.

 (2) Không ai bị coi là có tội về bất kỳ hành vi nào không cấu thành một tội phạm, theo luật trong nước hay quôc tế, tại thời điểm gây ra hành vi đó. Không ai phải chịu trừng phạt về một hành vi vi phạm nặng hơn hình phạt đã được luật quy định tại thời điểm hành vi đó diễn ra.

(3) Không ai bị đưa ra xét xử hay trừng phạt vì một hành vi đã bị kết án hay tha bổng theo luật và thủ tục tố tụng hình sự của mỗi quốc gia thành viên ASEAN.

21. Mọi người có quyền không bị can thiệp trái phép vào sự riêng tư, gia đình, nhà cửa hay thư tín, bao gồm dữ liệu cá nhân, hoặc bị làm tổn hại danh dự và uy tín của người đó. Mọi người có quyền được pháp luật bảo vệ khỏi sự can thiệp hay làm tổn hại đó.

22. Mọi người có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tôn giáo. Bất kỳ hình thức bất khoan dung, phân biệt đối xử và xúi giục hận thù nào dựa trên tôn giáo hay tín ngưỡng phải bị xóa bỏ.

23. Mọi người có quyền tự do quan điểm và biểu đạt, bao gồm quyền giữ quan điểm mà không bị can thiệp, quyền tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá thông tin, bằng lời, bằng văn bản hay bằng các phương tiện khác theo lựa chọn của người ấy.

24. Mọi người đều có quyền tự do hội họp một cách hòa bình.

25. (1)  Mọi người là một công dân của một quốc gia đều có quyền tham gia vào chính quyền nước mình, trực tiếp hay gián tiếp thông qua các đại biểu được bầu ra một cách dân chủ, theo luật pháp quốc gia.

(2) Mọi công dân có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, bằng lá phiếu phổ thông đầu phiếu bình đẳng và bỏ phiếu kín, đảm bảo tự do biểu đạt ý nguyện của cử tri, theo luật pháp trong nước.

CÁC QUYỀN KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ VĂN HÓA

26. Các quốc gia thành viên ASEAN khẳng định tất cả các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Đặc biệt, các quốc gia thành viên ASEAN khẳng định những quyền sau:

27. (1) Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn công việc, quyền hưởng những điều kiện làm việc chính đáng, đàng hoàng, thuận lợi và có quyền tiếp cận với các hình thức hỗ trợ thất nghiệp.

(2) Mọi người đều có quyền thành lập các công đoàn và tham gia công đoàn theo lựa chọn của mình để bảo vệ lợi ích của chính mình, theo luật và các quy định của quốc gia.

(3) Không trẻ em hay thanh niên nào phải chịu sự bóc lột về kinh tế và xã hội. Những người thuê trẻ em và thanh niên làm công việc ảnh hưởng đến đạo đức, sức khỏe hay làm nguy hiểm đến tính mạng, hay có nguy cơ làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của các em, bao gồm việc học tập, phải bị pháp luật trừng phạt. Các quốc gia thành viên ASEAN cũng cần quy định tuổi giới hạn lao động mà việc sử dụng lao động trẻ em dưới tuổi đó phải bị pháp luật cấm và trừng phạt.

28. Mọi người đều có quyền có mức sống thích đáng cho bản thân và gia đình mình, bao gồm:
a. Quyền có thực phẩm thích đáng và có thể chi trả được, không bị đói, tiếp cận được với thực phẩm an toàn và có giá trị dinh dưỡng;
b. Quyền về quần áo mặc;
c. Quyền có nhà ở thích đáng và chi trả được;
d. Quyền về chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết khác;
e. Quyền về nước uống an toàn và vệ sinh;
f. Quyền có một môi trường an toàn, sạch và bền vững.

29. (1)  Mọi người có quyền thụ hưởng tiêu chuẩn cao nhất có thể đạt được về sức khỏe thể chất, tâm thần và sức khỏe sinh sản, với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản và có thể chi trả được, và tiếp cận được với các cơ sở y tế.

(2)  Các quốc gia thành viên ASEAN phải tạo ra một môi trường tích cực để khắc phục sự kỳ thị, im lặng, chối bỏ hay phân biệt đối xử trong việc ngăn ngừa, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ những người nhiễm các bệnh truyền nhiễm, bao gồm  HIV/AIDS.

30. (1)  Mọi người có quyền về an sinh xã hội, bao gồm bảo hiểm xã hội nếu có thể, để hỗ trợ người đó đảm bảo những phương tiện để tồn tại một cách đàng hoàng và tử tế.

(2) Các bà mẹ phải được bảo vệ đặc biệt trong một giai đoạn hợp lý theo luật và các quy định của quốc gia trước và sau khi sinh con. Trong quá trình đó, bà mẹ đi làm phải được nghỉ có hưởng lương hoặc nghỉ phép hưởng bảo hiểm xã hội một cách thích đáng.

(3)  Bà mẹ và trẻ em được hưởng sự chăm sóc và hỗ trợ đặc biệt. Mọi trẻ em, dù được sinh ra ngoài giá thú, phải được hưởng bảo trợ xã hội như nhau.

31. (1)  Mọi người đều có quyền giáo dục.

(2) Giáo dục tiểu học là bắt buộc và miễn phí với tất cả mọi người. Giáo dục trung học dưới các hình thức khác nhau phải sẵn có và tiếp cận được với tất cả mọi người thông qua mọi hình thức thức phù hợp. Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề nói chung phải được cung cấp. Mọi người đều có thể tiếp cận được một cách bình đẳng với giáo dục đại học, dựa trên năng lực.

(3)  Giáo dục phải hướng đến sự phát triển đầy đủ nhân cách và nhân phẩm. Giáo dục phải tăng cường sự tôn trọng các quyền con người và tự do căn bản trong các quốc gia thành viên ASEAN. Ngoài ra, giáo dục phải giúp tất cả mọi người tham gia hiệu quả vào xã hội của mình, khuyến khích sự hiểu biết, lòng khoan dung và tình hữu nghị giữa tất cả các quốc gia, các chủng tộc và tôn giáo, và tăng cường các hoạt động của ASEAN vì mục đích duy trì hòa bình.

32. Mọi người có quyền, với tư cách cá nhân hay cùng với những người khác, tự do tham gia vào đời sống văn hóa, thụ hưởng nghệ thuật và các lợi ích của tiến bộ khoa học và ứng dụng của khoa học, hưởng lợi từ việc bảo vệ các lợi ích vật chất và tinh thần từ bất kỳ sản phẩm khoa học, nghệ thuật hay các hình thức nghệ thuật nào mà người đó là tác giả.

33. Các quốc gia thành viên ASEAN phải tiến hành các bước, độc lập hay thông qua hỗ trợ và hợp tác trong khu vực và quốc tế, với tối đa các nguồn lực sẵn có, trên quan điểm tiến bộ dần dần trong việc thực thi đầy đủ các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa được công nhận trong Tuyên ngôn này.

34. Các quốc gia thành viên ASEAN có thể xác định phạm vi mà các quốc gia sẽ đảm bảo các quyền kinh tế và xã hội trong Tuyên ngôn này với những người ngoại quốc, với sự tôn trọng thích đáng với các quyền con người và tổ chức và các nguồn lực của nền kinh tế nước họ.

QUYỀN PHÁT TRIỂN

35. Quyền phát triển là một quyền con người không thể tách rời, với tính chất của quyền này mà mỗi người và mỗi dân tộc trong ASEAN được trao để tham gia và đóng góp, để thụ hưởng và hưởng lợi một cách bình đẳng, bền vững từ sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Quyền phát triển cũng phải được thực thi nhằm đáp ứng bình đẳng những nhu cầu về phát triển và môi trường của các thế hệ hiện tại và tương lai. Trong khi phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho việc thụ hưởng tất cả các quyền con người, việc chậm phát triển không thể được lấy làm lý do để biện bạch cho những vi phạm các quyền con người đã được quốc tế thừa nhận.

36. Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cần đưa ra các chương trình phát triển có ý nghĩa, lấy con người làm trung tâm và nhạy cảm giới nhằm xóa bỏ đói nghèo, tạo ra các điều kiện bao gồm việc bảo vệ môi trường bền vững cho các dân tộc trong ASEAN được hưởng tất cả các quyền con người được công nhận trong Tuyên ngôn này trên cơ sở bình đẳng và thu hẹp dần dần khoảng cách phát triển trong ASEAN.

37. Các quốc gia thành viên ASEAN công nhận rằng việc thực thi quyền phát triển đòi hỏi các chính sách phát triển hiệu quả ở cấp quốc gia cũng như các quan hệ kinh tế và hợp tác quốc tế bình đẳng và một môi trường kinh tế quốc tế thuận lợi. Các quốc gia thành viên ASEAN cần lồng ghép những yếu tố đa diện của quyền phát triển vào những lĩnh vực phù hợp trong quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN và ngoài ASEAN, và cần làm việc với cộng đồng quốc tế để khuyến khích phát triển bền vững và bình đẳng, các thực hành thương mại công bằng và hợp tác quốc tế hiệu quả.

QUYỀN HÒA BÌNH

38. Mọi người và các dân tộc trong ASEAN có quyền hưởng hòa bình trong một khuôn khổ ASEAN về an ninh và ổn định, trung lập và tự do, để những quyền được công nhận trong Tuyên ngôn này có thể trở thành hiện thực hoàn toàn. Vì mục đích đó, các quốc gia thành viên ASEAN cần tiếp tục tăng cường tình hữu nghị và hợp tác để thúc đẩy hơn nữa hòa bình, sự hài hòa và ổn định trong khu vực.


HỢP TÁC TRONG VIỆC THÚC ĐẨY VÀ BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI

39.       Các quốc gia thành viên ASEAN chia sẻ mối quan tâm chung và cam kết với việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và tự do căn bản mà cần phải đạt được qua hợp tác với nhau cũng như với các thiết chế/tổ chức trong nước, khu vực và quốc tế có liên quan, phù hợp với Hiến chương  ASEAN.

40. Không điều nào trong Tuyên ngôn này được diễn giải hàm ý để bất kỳ quốc gia, nhóm hay người tiến hành bất kỳ hoạt động nào làm tổn hại các mục đích và nguyên tắc của ASEAN, hay hủy hoại bất kỳ các quyền và tự do căn bản nào được công nhận trong Tuyên ngôn này và trong các công ước quốc tế về quyền con người mà các quốc gia thành viên ASEAN là thành viên.

Được Lãnh đạo các quốc gia/Chính phủ của các quốc gia thành viên ASEAN thông qua tại Phnom Penh, Cambodia, ngày 18 tháng 11 năm 2012, bằng một bản gốc tiếng Anh.



* Dịch từ nguyên bản tiếng Anh tại
http://www.asean.org/news/asean-statement-communiques/item/asean-human-rights-declaration


Các tin khác: