LÀM VIỆC VỚI CÁC CƠ QUAN NHÂN QUYỀN LHQ NHƯ THẾ NÀO?
Một mục tiêu, chức năng cơ bản của Liên Hợp quốc là bảo vệ các quyền của mọi thành viên gia đình nhân loại. Trong khi LHQ đang cố gắng trở nên cởi mở hơn với XHDS và gần người dân hơn, việc các cá nhân từ các quốc gia - cũng là công dân của thế giới - gặp gỡ, thông tin với các cơ quan của LHQ diễn ra thường xuyên hơn và mang lại nhiều lợi ích cho mục tiêu bảo vệ quyền.



Cho dù bị phê phán về vai trò và hiệu quả hoạt động, có nhiều lý do khiến các cơ quan bảo vệ quyền Liên Hợp quốc vẫn có ý nghĩa quan trọng. Chẳng hạn có những lý do như:

* Trong khi các quốc gia là chủ thể đầu tiên có nghĩa vụ bảo vệ quyền, thì chính các quốc gia là những chủ thể vi phạm quyền lớn nhất. Do đó, nếu chỉ mong đợi vào các cơ chế của quốc gia (thường thiếu tính độc lập) để bảo vệ quyền thì nhiều trường hợp sẽ thất vọng, đặc biệt là tại các quốc gia thiếu dân chủ và thiếu tôn trọng con người.

* Đối với các quốc gia ASEAN, cơ chế bảo vệ nhân quyền khu vực (Ủy ban nhân quyền ASEAN - AICHR) còn rất hình thức (dù đang được XHDS trong khu vực kêu gọi điều chỉnh). Nhiều quốc gia lại chưa có cơ quan nhân quyền quốc gia, trong nước thiếu các cơ chế bảo vệ quyền. Cơ chế của LHQ càng trở nên quan trọng.

* Dẫu không có hiệu quả tức thì, các diễn đàn LHQ là cơ hội để tạo ra sự tương tác, đối thoại giữa các chủ thể trong nước và quốc tế, tạo sự chú ý của công luận quốc tế (các quốc gia, NGO quốc tế...) đối với tình hình quốc gia.

* Mọi quốc gia, dù kém cỏi về nhân quyền đến mấy, cũng mong muốn có hình ảnh đẹp trên trường quốc tế (quyền lực mềm). Do đó, khi tham gia vào các cuộc đối thoại, các quốc gia cũng thường có những điều chỉnh, nhượng bộ nhất định.

* Tham gia vào diễn đàn LHQ giúp công dân các quốc gia có thể học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của nhau, hỗ trợ nhau, hình thành các mạng lưới khu vực và toàn cầu.

* Dù ở cấp quốc gia, khu vực hay quốc tế, việc bảo vệ nhân quyền đều cần đến sự kiên nhẫn và bền bỉ. Một nhà hoạt động nhân quyền Campuchia đã ví bảo vệ nhân quyền giống như đạp xe đạp, cần sự liên tục, nếu dừng đạp thì xe sẽ đổ. Các chu trình giám sát các Công ước nhân quyền, hay chu trình UPR cũng là tiến trình liên tục cần sự tham gia của người dân như vậy.

* Mỗi cá nhân đều là thành viên của cộng đồng nhân loại, bên cạnh việc là một công dân của quốc gia cụ thể, việc trao đổi, việc chia sẻ quan điểm với mọi cá nhân, tổ chức với mục tiêu bảo vệ nhân phẩm con người là hoàn toàn chính đáng.

*...


Để hỗ trợ cho các tổ chức XHDS tham gia tích cực hơn, tương tác, thông tin nhiều hơn với các cơ quan bảo vệ nhân quyền của LHQ, vào năm 2008, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ đã biên soạn cuốn Sổ tay với chủ đề "Làm việc cùng Chương trình nhân quyền LHQ" (Working with the United Nations Human Rights Programme: A Handbook for Civil Society).  Gần đây, cuốn sách này đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và cập nhật bởi người dịch.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tại đây.


SỔ TAY CHO XÃ HỘI DÂN SỰ: LÀM VIỆC CÙNG CHƯƠNG TRÌNH NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC - T.VIỆT

 

Ảnh trên: Logo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR).


Các tin khác: