Nghĩa vụ nhà nước VN đối với những người bảo vệ nhân quyền
Trong kỳ kiểm điểm UPR vòng 2 tại Hội đồng Nhân quyền LHQ vừa qua (2014), nhà nước Việt Nam đã chấp nhận một số khuyến nghị liên quan đến việc tạo môi trường thuận lợi cho những người bảo vệ nhân quyền. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ quan nhà nước phải tôn trọng các quyền của những người bảo vệ nhân quyền hơn.


Dù các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền có vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng thuật ngữ "người bảo vệ nhân quyền" (human rights defender) chưa phổ biến ở Việt Nam. Nay sự thừa nhận của nhà nước cũng là góp phần phổ biển khái niệm này hơn và củng cố tính chính đáng của các hoạt động bảo vệ nhân quyền.

Trước diễn đàn Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhà nước Việt Nam đã chấp nhận một số khuyến nghị (143.149 của Luxemburg, 143.167 của Tunisia...) liên quan đến việc bảo vệ quyền tự do thông tin và biểu đạt của những người bảo vệ nhân quyền và tạo môi trường thuận lợi cho họ.

Môi trường hoạt động của những người bảo vệ nhân quyền chính là môi trường mà các quyền tự do (đặc biệt là các quyền đi lại, tụ họp, lập hội, ngôn luận...) được tôn trọng. Điều này cũng đã được khẳng định trong "Tuyên ngôn về quyền và trách nhiệm của các cá nhân, nhóm, tổ chức xã hội thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và tự do cơ bản" (Declaration on the Right and Responsibility of Individuals, Groups and Organs of Society to Promote and Protect Universally Recognized Human Rights and Fundamental Freedoms), được  Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị  quyết số 53/144 ngày 9-12-1998, cũng được gọi tắt là Tuyên ngôn về những người bảo vệ nhân quyền (Declaration on Human Rights Defenders).

Tuyên ngôn cũng nhấn mạnh các nghĩa vụ liên quan của nhà nước, bao gồm đảm bảo sự  bảo vệ đối với mọi người, từng cá nhân hoặc nhóm, khỏi bất kỳ hành động bạo lực, sự đe doạ, trả thù, sự phân biệt bất lợi trong thực tế hoặc trong pháp luật, áp lực hoặc bất kỳ những hành vi tuỳ tiện nào khác là hậu quả do người đó thực hiện hợp pháp các quyền tự do (Điều 12), xuất bản, phổ biến, giáo dục về nhân quyền cho cộng đồng và các nhân viên công lực (Điều 14)...

Dù đã từng giới thiệu trước đây, chúng tôi xin nêu lại bản Tuyên ngôn quan trọng này.

K.Tùng



TUYÊN NGÔN  VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ  CỦA CÁC CÁ  NHÂN, NHÓM VÀ TỔ  CHỨC Xà HỘI TRONG VIỆC THÚC ĐẨY VÀ BẢO VỆ  CÁC QUYỀN CON NGƯỜI VÀ  TỰ  DO CƠ BẢN ĐàĐƯỢC THỪA NHẬN RỘNG RÃI, 1998
 


(Được  Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị  quyết số 53/144 ngày 9-12-1998)

Đại hội đồng,


Tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và những tự do cơ bản cho tất cả mọi người ở tất cả các nước trên thế giới,

Đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các Công ước quốc tế về quyền con người, như những yếu tố cơ bản của các nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ rộng rãi các quyền con người và tự do cơ bản, tầm quan trọng của các văn kiện về quyền con người khác được thông qua trong khuôn khổ hệ thống Liên hợp quốc, cũng như những văn kiện ở cấp độ khu vực,

Nhấn mạnh rằng tất cả thành viên của cộng đồng quốc tế phải thực hiện, cùng nhau hoặc riêng rẽ, nghĩa vụ thiêng liêng nhằm thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng các quyền con người và những tự do cơ bản cho tất cả mọi người mà không có bất kỳ sự phân biệt nào, bao gồm những phân biệt trên cơ sở chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác hay nguồn gốc xã hội hoặc dân tộc, của cải, dòng dõi hoặc những vị thế khác, và tái khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của việc đạt được sự hợp tác quốc tế để thực hiện nghĩa vụ này theo Hiến chương,

Nhận thức vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế, công việc cao quý của các cá nhân, các nhóm, các tổ chức trong việc đóng góp vào sự loại bỏ có hiệu quả tất cả những vi phạm quyền con người và những tự do cơ bản đối với các dân tộc và các cá nhân, bao gồm những vi phạm phổ biến, trắng trợn và có hệ thống, như những vi phạm do chủ nghĩa A-pác-thai, do tất cả những hình thức phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thực dân, sự đô hộ hoặc chiếm đóng của ngoại bang, sự xâm lược hoặc những đe doạ đối với chủ quyền, thống nhất quốc gia hoặc toàn vẹn lãnh thổ và do sự khước từ thừa nhận quyền tự quyết của các dân tộc và quyền của mọi dân tộc thực hiện chủ quyền đầy đủ đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và của cải,

Thừa  nhận mối quan hệ giữa hoà bình, an ninh quốc tế với sự hưởng thụ các quyền con người và tự do cơ bản, ghi nhớ rằng sự thiếu vắng hoà bình và an ninh quốc tế không thể biện minh cho việc chối bỏ các quyền và tự do cơ bản.

Nhắc lại rằng tất cả các quyền con người và tự do cơ bản là phổ biến, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau, liên quan đến nhau và nên được thúc đẩy, thực hiện bằng phương thức bình đẳng và công bằng, không thiên vị trong việc thực hiện từng loại quyền hoặc tự do,

Nhấn mạnh rằng trách nhiệm và nghĩa vụ chính để thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và những tự do cơ bản thuộc về nhà nước,

Thừa  nhận quyền và trách nhiệm của các cá nhân, các nhóm, các tổ chức trong xã hội đối với việc thúc đẩy sự tôn trọng và khuyến khích sự hiểu biết về quyền con người và những tự do cơ bản ở cấp độ quốc gia và quốc tế,


Tuyên bố:


Điều 1.

Mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, thúc đẩy và phấn đấu cho việc bảo vệ và hiện thực hóa các quyền con người và tự do cơ bản ở cấp độ quốc tế và quốc gia.


Điều 2.

1. Mọi quốc gia có trách nhiệm và nghĩa vụ hàng đầu để bảo vệ, thúc đẩy và thực hiện tất cả các quyền con người và tự do cơ bản, bên cạnh những phương thức khác, bằng cách thông qua những biện pháp có thể được xem là cần thiết để tạo ra tất cả những điều kiện cần trên các lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị và những lĩnh vực khác, cũng như sự bảo hộ pháp lý cần có để đảm bảo rằng tất cả mọi người trong thẩm quyền tài phán của mình, từng cá nhân và cùng với những người khác, có thể hưởng thụ những quyền và tự do đó trong thực tế.

2. Mọi quốc gia phải thông qua những biện pháp lập pháp hành pháp hoặc những biện pháp khác có thể được xem là cần thiết để đảm bảo rằng những quyền và tự do được nhắc đến trong Tuyên ngôn này được bảo hộ một cách có hiệu quả.


Điều 3.

Pháp luật quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và những nghĩa vụ quốc tế khác của quốc gia đó trên lĩnh vực quyền con người và tự do cơ bản là khuôn khổ pháp lý mà ở đó quyền con người và những tự do cơ bản phải được thực hiện và hưởng thụ, đồng thời, trong khuôn khổ đó, mọi hoạt động được đề cập đến trong Tuyên ngôn này liên quan đến việc thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện hiệu quả những quyền và tự do trên phải được tiến hành.


Điều 4.

Không có điều nào trong Tuyên ngôn này được giải thích nhằm làm phương hại đến hoặc làm trái những mục tiêu và nguyên tắc của Liên hợp quốc hoặc làm hạn chế hoặc huỷ bỏ những điều khoản của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, các Công ước quốc tế về nhân quyền, cũng như những văn kiện quốc tế và những cam kết có liên quan khác trên lĩnh vực này.


Điều 5.

Vì mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và tự do cơ bản, mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, ở cấp độ quốc gia và quốc tế:

(a) Gặp gỡ hoặc hội họp một cách hoà bình;

(b) Thành lập, gia nhập và tham gia vào các tổ chức, các hội hoặc các nhóm phi chính phủ;

(c) Trao đổi thông tin với các tổ chức liên chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ. 


Điều 6.

Mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác:

a) Được biết, tìm kiếm, có được và lưu giữ thông tin về mọi quyền con người và tự do cơ bản, bao gồm quyền tiếp cận thông tin về việc các quyền và tự do này được thực thi như thế nào trong các hệ thống lập pháp, tư pháp và hành pháp của quốc gia;

(b) In ấn, phân phát hoặc phổ biến đến những người khác các quan điểm, thông tin và sự hiểu biết về quyền con người và tự do cơ bản như đã được nêu trong các văn kiện nhân quyền hoặc những văn kiện quốc tế có liên quan khác;

(c) Nghiên cứu, trao đổi, hình thành và có quan điểm về việc tuân thủ, cả về mặt luật pháp và thực tế, tất cả quyền con người và những tự do cơ bản, thông qua những hoạt động này và những cách thức phù hợp khác, thu hút sự chú ý của công luận đối với những vấn đề đó.


Điều 7.

Mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, hình thành và trao đổi những quan điểm và nguyên tắc mới về quyền con người và vận động cho sự chấp nhận những quan điểm và nguyên tắc mới đó.


Điều 8.

1. Mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, có sự tiếp cận hiệu quả, trên cơ sở không phân biệt đối xử, để tham gia vào quản lý đất nước và điều hành các công việc của nhà nước.

2. Điều này bao gồm quyền, bên cạnh những quyền khác, gửi đến các tổ chức, các cơ quan và bộ phận hữu quan của chính quyền sự phê bình và những đề xuất cải tiến hoạt động của các cơ quan tổ chức trên, thu hút sự chú ý đối với bất kỳ lĩnh vực công việc nào có thể làm phương hại hoặc cản trở đến sự thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện các quyền con người và tự do cơ bản.


Điều 9.

1. Khi thực thi các quyền con người và tự do cơ bản, bao gồm việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người được đề cập tại Tuyên ngôn này, mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, được hưởng một cơ chế khôi phục hiệu quả và được bảo vệ trong trường hợp bị vi phạm những quyền đó.

2. Nhắm đến mục đích đó, những người mà cho là bị vi phạm các quyền và tự do có quyền, tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp, khiếu kiện và việc khiếu kiện phải được xem xét nhanh chóng, công khai tại một cơ quan tư pháp có thẩm quyền, vô tư hoặc cơ quan khác được thiết lập theo luật định, đồng thời có quyền nhận từ cơ quan đó một phán quyết, phù hợp với pháp luật qui định việc bồi thường, bao gồm bất khoàn bồi thường nào, khi đã có những vi phạm đối với quyền và những tự do của người đó, cũng như việc thực thi phán quyết và quyết định cuối cùng, mà không có những trì hoãn vô lý nào.

3. Cùng vì mục đích trên, bên cạnh những quyền khác, mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác:

(a) Khiếu kiện về các chính sách và những hành vi của cá nhân các công chức và các cơ quan chính quyền liên quan đến những vi phạm quyền con người và tự do cơ bản, bằng việc gửi đơn kiện hoặc những phương tiện thích hợp khác đến các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp có thẩm quyền hoặc bất kỳ một cơ quan có thẩm quyền nào khác được hệ thống pháp luật quốc gia qui định, để những cơ quan này đưa ra phán quyết về khiếu kiện mà không có sự trì hoãn vô lý nào;

(b) Tham dự vào các cuộc điều trần, các giai đoạn tố tụng và các phiên toà công khai để có thể đánh giá về sự tuân thủ pháp luật quốc gia, những nghĩa vụ và những cam kết quốc tế có liên quan;

(c) Được giúp đỡ và cung cấp hỗ trợ pháp lý có chất lượng chuyên nghiệp hoặc sự tư vấn và trợ giúp khác thích hợp trong việc bảo vệ các quyền và tự do cơ bản.

4. Cùng mục đích đó và phù hợp với những văn kiện và những thủ tục quốc tế có liên quan, mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, tiếp cận mà không bị ngăn cản và liên lạc với những tổ chức quốc tế có thẩm quyền chung hoặc đặc biệt trong việc nhận và xem xét những khiếu kiện về những vấn đề về các quyền con người và tự do cơ bản.

5. Quốc gia phải tiến hành điều tra nhanh chóng và vô tư hoặc đảm bảo rằng một cuộc điều tra sẽ diễn ra bất kỳ khi nào có căn cứ hợp lý để tin tưởng rằng một hành vi vi phạm các quyền và tự do cơ bản đã xảy ra ở bất kỳ địa điểm nào thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia đó. 


Điều 10.

Không một ai phải tham gia vào, bằng hành động hoặc không hành động khi được yêu cầu, sự vi phạm các quyền con người và tự do cơ bản, không một ai sẽ trở thành đối tượng của sự trừng phạt hoặc của bất kỳ hành động có hại nào vì đã từ chối thực hiện như vậy.


Điều 11.

Mọi người, một mình hoặc cùng với những người khác, có quyền thực hành hợp pháp nghề nghiệp hoặc chuyên môn của mình. Mọi người, do kết quả của việc thực hành nghề nghiệp, có thể ảnh hưởng đến nhân phẩm, quyền con người và tự do cơ bản của người khác thì phải tôn trọng những quyền, tự do đó và phải tuân thủ những tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế về nguyên tắc xử thế, đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn.


Điều 12.

1. Mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, tham gia vào những hoạt động ôn hoà chống lại những vi phạm các quyền con người và tự do cơ bản.

2. Các quốc gia phải tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết  để các cơ quan có thẩm quyền đảm bảo sự  bảo vệ đối với mọi người, từng cá nhân hoặc cùng với những người khác, khỏi bất kỳ hành động bạo lực, sự đe doạ, trả thù, sự phân biệt bất lợi trong thực tế hoặc trong pháp luật, áp lực hoặc bất kỳ những hành vi tuỳ tiện nào khác như một hậu quả do người đó thực hiện hợp pháp các quyền được Tuyên ngôn này đề cập.

3. Trong mối liên quan đó, mọi người có quyền một mình hoặc cùng với những người khác, được bảo vệ một cách hiệu quả theo qui định của pháp luật khi hành động chống lại hoặc phản đối, thông qua những biện pháp hoà bình, những hoạt động và những hành vi, kể cả những hành động và hành vi do sự khinh suất, có thể qui cho quốc gia mà dẫn đến những vi phạm các quyền và tự do cơ bản cũng như những hành vi bạo lực gây ra bởi những nhóm hoặc những cá nhân làm ảnh hưởng đến sự hưởng thụ các quyền và tự do cơ bản.


Điều 13.

Mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, yêu cầu, nhận và sử dụng những phương tiện cho những mục đích rõ ràng để thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và tự do cơ bản thông qua những biện pháp hoà bình, phù hợp với Điều 3 của Tuyên ngôn này.


Điều 14.

1. Quốc gia có trách nhiệm thực thi các biện pháp lập pháp, tư pháp, hành pháp hoặc những biện pháp thích hợp khác để thúc đẩy sự hiểu biết về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá của tất cả mọi người thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia đó.

2. Những biện pháp như vậy phải bao gồm, bên cạnh những biện pháp khác:

(a) Xuất bản và phổ biến rộng rãi luật pháp và những qui định của quốc gia, cũng như những văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người có liên quan;

(b) Tiếp cận đầy đủ và công bằng đối với những văn kiện trên lĩnh vực quyền con người, kể cả những báo cáo định kỳ của các quốc gia đệ trình lên các cơ quan được thành lập bởi những điều ước mà quốc gia là thành viên, cũng như biên bản tóm tắt về những cuộc thảo luận và những báo cáo chính thức của các tổ chức đó.

3. Quốc gia phải đảm bảo và ủng hộ, khi thích hợp, việc thành lập và phát triển hơn nữa các cơ quan quốc gia độc lập thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và tự do cơ bản ở tất cả các lãnh thổ thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia đó, những cơ quan này có thể là thanh tra quốc hội, uỷ ban nhân quyền hay bất kỳ hình thức tổ chức nào khác.


Điều 15.

Quốc gia có trách nhiệm thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc giáo dục về quyền con người và những tự do cơ bản ở tất cả các cấp độ giáo dục và đảm bảo rằng tất cả những người có trách nhiệm đào tạo các luật sư,  cán bộ thực thi pháp luật, nhân viên các lực lượng vũ trang và công chức phải bao gồm những nội dung giảng dạy quyền con người phù hợp trong chương trình đào tạo họ.


Điều 16.

Các cá nhân, các tổ chức phi chính phủ và những cơ quan liên quan có vai trò quan trọng trong việc góp phần làm cho công chúng nhận thức tốt hơn về những vấn đề liên quan đến các quyền con người và tự do cơ bản thông qua những hoạt động như giáo dục, đào tạo và nghiên cứu về những quyền và tự do cơ bản đó để nâng cao hơn nữa, bên cạnh những điều khác, sự hiểu biết, khoan dung, hoà bình và quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và giữa các nhóm tôn giáo, chủng tộc, có lưu ý đến những nền tảng khác nhau của những xã hội và những cộng đồng mà ở đó họ tiến hành các hoạt động.


Điều 17.

Trong khi thực hiện những quyền và tự do cơ bản được đề cập trong Tuyên ngôn này, mọi người, hành động một mình hoặc cùng với những người khác, sẽ chỉ bị áp đặt những hạn chế phù hợp với những nghĩa vụ quốc tế có liên quan và được xác định bởi luật pháp chỉ với mục đích đảm bảo sự thừa nhận và tôn trọng đúng đắn quyền và tự do của những người khác và đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.


Điều 18.

1. Mọi người có nghĩa vụ đối với và trong khuôn khổ cộng đồng, chỉ ở trong cộng đồng ấy sự phát triển tự do và đầy đủ về nhân cách của họ có thể thực hiện được.

2. Các cá nhân, các nhóm, các cơ quan và các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng và có trách nhiệm trong việc bảo vệ dân chủ, thúc đẩy các quyền con người và tự do cơ bản, đồng thời góp phần vào việc thúc đẩy và sự thăng tiến các định chế, tiến trình và xã hội dân chủ.

3. Các cá  nhân, các nhóm, các cơ quan và các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng và có trách nhiệm trong việc góp phần thích hợp vào việc thúc đẩy quyền của mọi người sống trong một trật tự xã hội và quốc tế mà ở đó các quyền và tự do được nêu trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và những văn kiện quốc tế về quyền con người khác có thể được thực hiện đầy đủ.


Điều 19.

Không có điều nào trong Tuyên ngôn này được giải thích với hàm ý cho phép bất kỳ cá nhân, nhóm, tổ chức xã hội hoặc bất kỳ quốc gia nào quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hoặc thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm huỷ hoại các quyền và tự do được đề cập đến trong Tuyên ngôn này.


Điều 20.

Không có điều nào trong Tuyên ngôn này được giải thích với hàm ý cho phép các quốc gia ủng hộ và thúc đẩy những hoạt động của các cá nhân, các nhóm, các cơ quan hay các tổ chức phi chính phủ đi ngược lại những qui định của Hiến chương Liên hợp quốc.


Các tin khác: