TỰ DO VÀ CNTD (3): QUYỀN LỰC PHẢI ĐƯỢC PHÂN CHIA
Muốn giảm thiểu sự độc đoán và tùy tiện, quyền lực phải được chia ra cho nhiều cơ quan, nằm ở nhiều trung tâm khác nhau. Thuyết phân quyền (“kiềm chế và đối trọng” hay “tam quyền phân lập”) thường được gắn với tên tuổi của Montesquieu và tác phẩm “Tinh thần pháp luật” (1748) của ông.



1. Mấy nét về triết gia đa tài Montesquieu

Charles de Secondat Montesquieu (1689 – 1755) là nhà triết học Khai sáng, nhà tư tưởng chính trị, nhà xã hội học và sử học người Pháp. Ông là nhà tư tưởng có dòng dõi quí tộc, sinh ngày 18 tháng 1 năm 1689 tại lâu đài La Brét ở Tây Nam nước Pháp. Cha ông là Giắc đơ Sơcôngđa, một quí tộc bị sa sút và đã có thời gian tham gia quân đội, sau đó lui về ở ẩn, đến năm 1713 thì qua đời.

Khi Montesquieu lên 7 tuổi thì mẹ ông qua đời. Montesquieu chịu nhiều ảnh hưởng từ người chú ruột (Giăng đơ Sơcôngđa), người từng là Chủ tịch Nghị viện Boócđô.

Năm 1700, Montesquieu theo học với các giáo sĩ thuộc Giáo đoàn Ôratoa tổ chức ở Guili gần Paris. Ông học giỏi chữ Latinh hơn chữ Hy Lạp. Trong thời gian học trung học, ông đã thể hiện rõ lòng say mê văn chương, sử học và khoa học tự nhiên. Montesquieu đã viết một số tác phẩm mà nhiều độc giả thời đó ưa chuộng. Theo P.S.Taranốp – tác giả của cuốn 106 nhà thông thái, sau khi kết thúc việc học tập ở đây, ông đã quay trở lại lâu đài của cha ông và tại đây, ông đã bắt đầu nghiên cứu luật học.

Năm 1705 đến 1708 Montesquieu học luật ở thành phố Boócđô. Năm năm sau (1713), cha của Montesquieu qua đời. Năm 1714, ông vào làm việc tại Viện Boócđô và hai năm sau, ông trở thành nam tước De Montesquieu – Chủ tịch Nghị viện Boócđô. Ông cưới vợ năm 1715; một năm sau (1716), Montesquieu trở thành thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Boócđô. Mặc dù nắm giữ cương vị là Chủ tịch Nghị viện và Chánh án Tòa án, song điều đó không làm mất đi lòng say mê văn chương, khoa học và triết học trong ông. Thậm chí, ông vẫn dành thời gian cho việc nghiên cứu những nguyên nhân của tiếng vang, về công dụng của các tuyến thận, về trọng lực, về lợi ích của các môn khoa học. Tại Viện Hàn lâm Khoa học Boócđô, ông đã trình bày một luận văn về “Chính sách tôn giáo của người Rôma” và luận văn “Ký ức về các lần quốc trái”.

Năm 1721, Montesquieu cho ra đời tác phẩm sách đầu tay, tiểu thuyết “Những bức thư Ba Tư”. Cuốn sách ra đời giữa lúc nước Pháp đang trong cơn khủng hoảng về kinh tế, chính trị của thời đó. Sự mục nát của chế độ quân chủ và những mặt trái của Nhà thờ đã được Montesquieu phơi bày trong Những bức thư Ba Tư. Mặc dù là một tác phẩm văn chương, nhưng Những bức thư Ba Tư khiến nhiều người dân nước Pháp khi đó phải suy nghĩ nghiêm túc về nền chuyên chế, về giáo hội và giới giáo sĩ, về thân phận con người trong sự cai trị độc đoán của chế độ độc tài, chuyên chế. Từ sau tác phẩm Những bức thư Ba Tư ra đời, Montesquieu bắt đầu nổi tiếng và thường lui tới phòng khách của phu nhân De Lambert, gia nhập câu lạc bộ “Entrosol” – là một hàn lâm viện tự do, cùng với nhóm học giả ở đó, ông nghiên cứu các vấn đề khoa học về đạo đức và chính trị.

Từ năm 1722 đến năm 1725, Montesquieu lần lượt cho ra đời các tác phẩm “Đối thoại giữa Sylla và d’Eucrate”, “Bàn về chính trị” (De la politique), “Suy nghĩ về chính thể quân chủ phổ thông” (Réflexions sur la monarchie universelle), “Đền thờ Gnide” (La temple de Ginde). Cùng năm 1725, bang giao giữa Pháp và Tây Ban Nha trở nên căng thẳng.

Năm 1726, Montesquieu thôi chức vụ Chánh án Tòa án Boócđô trước đấy ông đã thế chân người chú. Một năm sau, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp (ngày 22/12/1727). Năm 1728, ông rời Paris và lên đường đi du lịch hầu khắp các nước châu Âu. Ông đã đi qua Đức, Áo Hungari, Ý, Hà Lan, Thụy Sĩ. Tại những nước đó, ông chứng kiến được cảnh tàn dư của chế độ phong kiến ở châu Âu bấy giờ. Hai năm cuối (1729 – 1731) ông lưu lại Anh, ông quan sát và cảm thấy hài lòng với chế độ quân chủ lập hiến của Anh. Thời gian đi du lịch châu Âu là khoảng thời gian Montesquieu suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống, điều mà trở thành tiền đề cho các tư tưởng của ông về sau này.

Năm 1731, Montesquieu trở về Pháp, đọc nhiều báo cáo tại Viện Hàn lâm Boócđô, sau đó ông lui về ở lâu đài Bret. Năm 1734, Montesquieu xuất bản cuốn “Nhận định về nguyên nhân thịnh đạt và suy thoái của Rôma” (Considérations sur les causes de la grandeur des Romains et de leur décadence). Theo ông, “nguyên nhân làm cho La Mã cường thịnh là do tình yêu tự do, tình yêu tổ quốc và tình yêu lao động. Ông nhấn mạnh đến đường lối quân sự, chính trị khôn ngoan đối với các nước bên cạnh để dựa vào đấy củng cố chính quyền của mình. Còn nguyên nhân của sự suy thoái chính là sự rộng lớn của đế chế. Đó là tình trạng quân đội đồn trú quá xa trung ương, do đó cũng xa tình thần cộng hòa và chỉ biết có vị chỉ huy của mình.” Cùng năm này, quân Pháp thắng trận ở Parme và Guastalla (Ý).

2. Tác phẩm “Tinh thần pháp luật” (1748)  

Từ năm 1741 – 1747, Montesquieu tập trung toàn lực vào nghiên cứu và viết cuốn sách lớn “Tinh thần pháp luật”. Phần lớn thời gian này ông sống ở lâu đài Bret. Ông làm việc tận lực đến nỗi gần như hai mắt ông bị lòa. Đến tháng 10 năm 1748 ông cho xuất bản cuốn “Tinh thần pháp luật” tại Genève, in thành 02 tập (có loại in thành 03 tập), khoảng 1000 trang. Ở tác phẩm này, Montesquieu nghiên cứu luật pháp không như một nhà luật học thuần túy, mà nghiên cứu cái hồn, cái tinh thần của pháp luật. Ông muốn khám phá các quy luật trong sự hỗn độn của luật pháp các quốc gia, dân tộc qua các thời đại. Đây là một tác phẩm triết học về pháp luật sâu sắc, trong đó luật pháp được giải thích từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Viết một tác phẩm phong phú như “Tinh thần pháp luật” đương nhiên đòi hỏi rất nhiều tài liệu. Ngoài một số về luật và về lịch sử bằng tiếng Latinh (trước kia được Montesquieu dùng để viết cuốn “Khảo về những nguyên nhân của sự cường thịnh và suy vong vủa các người La Mã”, còn phải kể đến cuốn “Chính trị luận” (La politique) của Aristote, cuốn “Quân vương” (Le prince) của Machiavel (1514), cuốn “Ảo tưởng” (L’Utopie) của Thomas Morus (1516), “Sáu quyển nói về chính thể cộng hòa” (Les six livers de la République) của Jean Bodin (1576 – 1578), cuốn “Khái luận về người công dân” (Du citoyen) của Hobbes (1642), trong thư viện của Montesquieu còn nhiều sách về lịch sử liên quan đến tất cả các nước châu Âu và châu Á và những du kí của các nhà truyền giáo.

Thêm vào những tài liệu do ông đọc sách hay suy tưởng mà nên, còn phải kể đến kinh nghiệm mà ông đã rút được ở những chuyến du lịch phương xa, đáng kể là cuộc viễn du châu Âu những năm 1728 – 1731. Kết quả của chuyến viễn du ấy, nhất là hai năm sống ở Anh đã khiến ông xác lập những ý niệm chính trị về sau, cũng đã thể hiện trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật”.

Tuy là một luật gia chuyên nghiệp, Montesquieu đã không đề cập đến những vấn đề pháp lý với những phương pháp cổ truyền. Đồng thời là một triết gia, Montesquieu tin rằng, chỉ có phương pháp thực nghiệm là phương pháp duy nhất có thể đem lại kết quả chắc chắn. Do ảnh hưởng bởi các lý thuyết khoa học tự nhiên, nhất là vật lý học, giờ đây đến lượt các luật lệ được coi là những sự kiện; việc xem xét các sự kiện ấy có thể khiến cho ta khám phá ra nguyên nhân của các sự kiện đó, như vậy trong phạm vi luật pháp, cũng có một định luật giống như định luật chi phối “bản chất của các sự vật”. Và đối với Montesquieu, việc điều hòa phương pháp thực nghiệm với các kiến giải của ông về lịch sử cũng là một việc khó. Chắc chắn là ông đã dựa vào những sự kiện lịch sử để chứng minh các điều ông đưa ra, nhưng trong khi tìm cách khám phá những nguyên nhân phổ quát của các luật lệ, với thành kiến của một sử gia ông đã gắn cho các ví dụ từ lịch sử một giá trị ưu tiên. Khi ông nói về chính thể dân chủ, ông nghĩ tới các nước cộng hòa ở thời thượng cổ, ông nghĩ tới Athène, tới La Mã, và định nghĩa chung về chính thể cộng hòa của ông hình như muốn gán cho những định chế chỉ là một giai đoạn trong sự tiến hóa về chính trị của Athène và của La Mã, rằng như những nền cộng hòa vĩnh viễn.

Và trong nhiều chương, ông không tránh khỏi sự lưỡng lự giữa một khoa học gia và một đạo đức gia. Chẳng hạn, trong những chương chính yếu của tác phẩm, nhà đạo đức chứ không phải nhà bác học đã định nghĩa những nguyên tắc của ba loại chính thể (đạo đức, danh dự, sợ hãi) như là những căn bản đạo đức đã quy định những chế độ khác nhau. Mặc dầu những kết quả của sự phân tích ấy rất đúng người ta có thể tự hỏi rằng phải chăng Montesquieu đã muốn tìm kiếm tâm lý của một chế độ chính trị y như là người ta suy luận cách xử sự của một cá nhân ở tính nết của y. Lối lý luận của một nhà đạo đức đã tạo nên đẳng cấp trong lúc hình thành các chế độ: nếu chính thể dân chủ căn cứ vào một gia tài tinh thần, làm sao người ta lại không kết luận rằng chính thể ấy hơn chính thể quân chủ căn cứ vào thành kiến danh dự, và hơn chính thể độc tài nhiều, chính thể này sở dĩ mạnh là do sự sợ hãi tức là sự phủ định mọi cảm tình đạo đức? Những kết luận như thế rõ ràng đã biểu lộ những mong ước của một nhà đạo đức hơn là kết quả khách quan của một sự nhận xét khoa học.

Mặc dù “Tinh thần pháp luật” có những hạn chế về mặt phương pháp của Montesquieu nhưng không thể phủ nhận những giá trị lớn lao của tác phẩm. Montesquieu đã tỏ ra như là người đầu tiên đề cập đến khoa xã hội học (mặc dù phải đến thời Auguste Comte (1798 – 1857) mới có tên ấy)). Khoa học xã hội đối với ông không phải là một khoa học trừu tượng nữa. Dưới tất cả các hình thức (dân luật, hình luật, luật hiến pháp, công pháp quốc tế), khoa học luật liên hệ tới một số lớn các yếu tố lịch sử, địa lý, kinh tế, luân lý. Như vậy, Montesquieu không những chỉ ra tính tương đối của luật pháp, mà còn tìm ra tính chất phức tạp của những nguyên nhân định hình nên một nền pháp lý. Tuy rằng, trong phần lớn các nhận định ấy, Montesquieu chỉ chứng minh được phần nào chứ không thể chứng minh được hết, song các nhà xã hội học hiện đại (dù chỉ trích những phương pháp của ông) không bao giờ phủ nhận ông là bậc tiền bối. Tất nhiên, cuốn “Tinh thần pháp luật đặt trong thời đại của nó, là một tác phẩm hết sức tân kỳ.

Montesquieu còn được nhìn nhận như một người can đảm trong việc phản đối những sự lạm dụng của thời đại ông trong các vấn đề: tín ngưỡng, sự tra tấn, vấn đề nô lệ, tất cả mọi hình thức của sự độc tài đều bị lên án. Và cuốn “Tinh thần pháp luật” ra đời với những phương pháp cứu chữa hợp lý căn cứ vào một lý tưởng tự do vừa phải (là tính tương đối của nền pháp lý), qua chương nói về Hiến pháp Anh. Trong đó, những định chế ở thế quân bình được duy trì do sự phân quyền. Tuy ông chủ trương rằng ông thấy sự cần thiết trật tự xã hội được thiết lập, ông đã đưa ra một chương trình cải cách về chính trị mà ảnh hưởng về sau rất lớn. Năm 1789, các luật gia của phái Bình dân sử dụng chương trình cải cách ấy. Nhiều điều khoản trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền phỏng theo những ý tưởng của Montesquieu và bản Hiến pháp năm 1791 đã thực hiện nguyên tắc phân quyền. Rõ ràng thì cuốn “Tinh thần pháp luật” đã đưa vào trong định chế chính trị của nước Pháp một nguyên tắc, mà sau này chính thể quân chủ vẫn tôn trọng, luôn tỏ ý không xâm phạm đến sự cơ cấu của thuyết tam quyền; tuy rằng trong thực tế, các chính thể ấy đều bị nhánh hành pháp lạm dụng và chi phối.

Montesquieu đã khiến cho dân Pháp kinh hãi sự độc tài, còn như lý tưởng tự do và đạo đức Montesquieu cho là đặc tính của chính thể dân chủ và coi là đặc điểm của các nước cộng hòa thời thượng cổ. Và có thể chính ông, có lẽ cũng không nghĩ tới lý tưởng ấy kích thích nhiệt tâm của phái dân chủ cấp tiến năm 1792. Vượt qua sự gắn bó lịch sử, không như mối quan hệ Hoa Kỳ - Anh quốc, cũng không hoàn toàn do mối bang giao một thời ấm cúng giữa Pháp – Hoa Kỳ, “Tinh thần pháp luật” cũng truyền cảm hứng cho các nhà lập quốc Hoa Kỳ, yếu tố kỹ trị và tinh thần phân quyền rõ rệt (thậm chí hơn cả ở Pháp) để họ thiết kế nên bản Hiến pháp, cho đến ngày nay được xem là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Hoa Kỳ ra thế giới.

Ở Việt Nam, tác phẩm này của Montesquieu đã được Trịnh Xuân Ngạn trích dịch 18 chương với tên gọi “Vạn pháp Tinh lý” và xuất bản năm 1961. Gần đây hơn, khoảng năm 1995, Hoàng Thanh Đạm đã dịch theo bản tiếng Pháp năm 1934 và được Đại học KHXH và NV Hà Nội xuất bản. Đến năm 2010, Nhà xuất bản Đà Nẵng tái bản bản dịch này (Ảnh trên), dù đây chưa phải là một bản dịch đầy đủ. Nhà xuất bản Lý luận Chính trị cũng đã xuất bản bản dịch này với tên gọi “Bàn về Tinh thần pháp luật”.

Để bảo vệ tự do cá nhân, tự do của công quyền phải bị giới hạn. Công quyền bị giới hạn bằng sự phân chia quyền lực thành nhiều nhánh (lập pháp, hành pháp và tư pháp) để chúng tự kiềm chế, đối trọng lẫn nhau, và tất cả đều phải tuân thủ luật chơi chung (là hiến pháp/ chủ nghĩa lập hiến). Nguyên tắc đơn giản này vẫn còn quá khó khăn để được hiện thực hóa tại nhiều quốc gia đang trong tiến trình chuyển đổi.

Đ-T

Tài liệu tham khảo:


“Những danh tác chính trị” (Bản dịch của Lê Thanh Hoàng Dân), Nxb. Trẻ, Sài Gòn, 1971.

 

 

 


Các tin khác: