Bế mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII
Sau hơn một tháng làm việc (từ ngày 20/10, vào chiều 27/11/2015, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII họp phiên bế mạc. Một số đạo luật cơ bản liên quan đến dân quyền đã được Quốc hội thông qua hoặc thảo luận.


Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua một khối lượng lớn các luật, bộ luật. Trong số đó bao gồm: Luật An toàn thông tin mạng; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật Tạm giữ, tạm giam; Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật Trưng cầu ý dân; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)...

 

Dưới đây, chúng tôi điểm qua một số nội dung mới nổi bật trong số các luật này:


1/ Đây là lần đầu tiên Việt Nam có Luật Trưng cầu ý dân, dù quyền này đã được Hiến pháp 1946 ghi nhận. Chưa bao giờ được người dân Việt Nam được bày tỏ ý kiến trong một cuộc trưng cầu ý dân.


 

2/ Bộ luật Hình sự (1999) được sửa đổi một số điểm quan trọng gồm: bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân; bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh - Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193) ; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394); Tội đầu hàng địch (Điều 399).


 

BL Hình sự bổ sung quy định: "Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử" tại khoản 2 Điều 40. Bổ sung điểm c khoản 3 Điều 40 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu "Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn."


 

3/ Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi, gồm 8 phần, 37 chương, 510 điều) có một số nội dung mới như: bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 183) nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình. Khoản 6 Điều 183 Dự thảo luật như sau: "Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng."

Cạnh đó, BL Tố tụng Hình sự phần nào đơn giản hóa thủ tục xác nhận tư cách tham gia tố tụng của người bào chữa, tạo điều kiện cho việc bào chữa, tránh nhận thức cho rằng phải có “cấp phép bào chữa” của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới được tham gia bào chữa, dự thảo quy định theo hướng bỏ việc “cấp Giấy đăng ký người bào chữa” thay bằng quy định về thủ tục "đăng ký bào chữa" như đã thể hiện tại Điều 78 Dự thảo luật. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, thay thế Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003.

 

4/ Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần đầu công nhận quyền chuyển giới (Điều 37). Để thực thi quyền này, một đạo luật quy định cụ thể hơn về quy trình chuyển giới sẽ cần được xây dựng.



Ngoài các luật mới như nêu trên, Quốc hội kỳ họp 10 lần này đã thảo luận, xem xét các dự thảo Luật về Hội, Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Tiếp cận thông tin…


K.T


Các tin khác: