Xã hội dân sự Việt Nam giám sát thực thi CRPD
Trong hai ngày 18 và 19/4/2017, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Thúc đẩy giám sát thực thi Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật (CRPD).Việt Nam đã ký Công ước này từ ngày 22/10/2007, Quốc hội phê chuẩn ngày 28/11/2014 và có hiệu lực ngày 05/02/2015.


Hội nghị do Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp với Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và tổ chức CBM (một tổ chức phát triển Công giáo quốc tế).


Hội nghị có tham gia của khoảng 150 đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước (Chính phủ, Quốc hội...), các tổ chức của và vì người khuyết tật trong nước, các cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực người khuyết tật ở các quốc gia Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Philippines…


Các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giám sát thực thi CPRD, bao gồm các khía cạnh như lao động việc làm, tiếp cận cơ sở vật chất và thông tin… Kinh nghiệm xây dựng và đệ trình báo cáo giám sát thực thi CRPD lên Liên hợp quốc cũng được các tổ chức, nhà hoạt động quốc tế chia sẻ.


Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) hiện đang chủ trì hoạt động soạn báo cáo độc lập (thường được gọi là báo cáo "bóng", độc lập với báo cáo của nhà nước gửi đến Ủy ban về quyền của Người Khuyết tật của Liên Hợp quốc) về việc thực thi các nghĩa vụ của nhà nước quy định trong CRPD tại Việt Nam.


Việc chuẩn bị soạn báo cáo độc lập được khởi động từ cuối năm 2015. Ngày 16/03/2016, ACDC cùng VFD đã tổ chức Hội thảo xây dựng “Báo cáo Giám sát đánh giá và thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam”. Với mục đích nâng cao năng lực cho các hội, nhóm người khuyết tật trong cả nước, ngày 15/3 trước đó, ACDC đã ra mắt bộ tài liệu gồm có 6 chủ đề: Công ước của Liên hợp quốc về quyền của Người khuyết tật; Luật người khuyết tật và các chính sách liên quan; Kiểm tra và giám sát việc thực hiện CRPD; Vận động chính sách; Truyền thông phát triển hội/nhóm người khuyết tật và Phát triển tổ chức hội nhóm. Một số cuộc tập huấn về những nội dung này đã được triển khai.


Việc thúc đẩy sự tham gia của người dân, đặc biệt là chính những người khuyết tật, giám sát các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương thực thi Công ước là rất chính đáng, cần thiết và bảo đảm cho hiệu quả của hoạt động. Hội người khuyết tật tại nhiều tỉnh thành đã có cơ hội để học hỏi, nâng cao năng lực và bước đầu tham gia vào tiến trình dài hơi này.


Trong năm 2017, Chính phủ và một số bộ đang tiếp tục soạn thảo báo cáo của nhà nước để nộp cho các ủy ban giám sát công ước của Liên Hợp quốc (gồm báo cáo thực thi ICCPR do Bộ Tư pháp chủ trì, báo cáo thực thi CAT do Bộ Công an chủ trì...).


 

K.T

 


Các tin khác: