Bộ Công an lấy ý kiến về thực thi Công ước chống tra tấn
Ngày 20/2/2017, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), đã diễn ra Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Báo cáo quốc gia lần 1 của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hoặc hạ nhục (CAT), do Bộ Công an tổ chức, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Vương quốc Bỉ.


Hội thảo lấy ý kiến nhân dân do Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an chủ trì, có sự tham gia của khoảng 80 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, và các sở, ban, ngành của các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, đại diện một số tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế.

 

Hoạt động này kế tiếp 2 Hội thảo ngày 16/11/2016, tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) và ngày 5/12/2016, tại TP Hồ Chí Minh, với cùng mục đích để lấy ý kiến cán bộ các địa phương và công chúng vào dự thảo Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước chống tra tấn.

 

Đây là hoạt động triển khai Kế hoạch xây dựng Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước (được ban hành kèm theo Quyết định số 6028/QĐ-BCA-V19 ngày 28/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an). Tiến trình Báo cáo lần đầu tiên tương đối cởi mở này, so với một số quốc gia trong khu vực, nhận được sự đánh giá cao từ nhiều tổ chức.


Việt Nam đã ký Công ước CAT ngày 7/11/2013 và phê chuẩn ngày 28/11/2014, chính thức trở thành thành viên thứ 158 của Công ước. Điều này phần nào thể hiện cam kết của nhà nước trong việc cải thiện tình hình. Từ năm 2015, nhiều cuộc tập huấn về Công ước đã được Bộ Công an và công an một số tỉnh thành tổ chức.


Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng đã có Quyết định số 1291/QĐ-BQP ngày 5/4/2016 về ban hành Đề án “Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo vô nhân đạo hoặc nhục mạ con người; pháp luật Việt Nam về chống tra tấn trong quân đội giai đoạn 2016-2020”. Ngày 15/2/2017, Cục Tuyên huấn  - Tổng cục Chính trị Quân đội đã tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai các nội dung kế hoạch thực hiện đề án.


Hai năm trước đây, tại phiên họp ngày 19/3/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự”, Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm cho biết trong giai đoạn từ tháng 10/2011 - 9/2014 (3 năm) đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc (Thanh Niên Online ngày 19/3/2015).


Dù có những bước đi tích cực gần đây, nhưng sự thiếu vắng các cơ chế giám sát độc lập, báo chí điều tra hiệu quả và các tổ chức xã hội có chuyên môn, việc thực thi quyền tự do, an toàn thân thể và không bị tra tấn tại Việt Nam vẫn đang phải đối diện nhiều thách thức lớn.


K.T


Ảnh: Quang cảnh Hội thảo tại Đăk-lăk (Đình Thắng, Báo Tài nguyên-MT)



Các tin khác: