SỐ 13 - TỰ DO KẾT HÔN
Quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân thực chất bao gồm một số quyền có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Những quyền này có quan hệ mật thiết với quyền được hỗ trợ để bảo vệ gia đình, quyền của các bà mẹ và trẻ em được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt (được ghi nhận trong Điều 10 ICESCR), cũng như với quyền bình đẳng của phụ nữ và quyền trẻ em được nêu ở một số điều khác của Công ước các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).


           Quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân đầu tiên được đề cập trong Điều 16 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR). Theo Điều này thì: nam và nữ khi đủ tuổi đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình mà không có bất kỳ sự hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Nam và nữ có quyền bình đẳng trong việc kết hôn, trong thời gian chung sống và khi ly hôn. Việc kết hôn chỉ được tiến hành với sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cặp vợ chồng tương lai (Khoản 1 và 2). Khoản 3 Điều này khẳng định, gia đình là tế bào tự nhiên và cơ bản của xã hội, được nhà nước và xã hội bảo vệ.


Các quy định kể trên của UDHR sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong Điều 23 ICCPR và Điều 10 ICESCR. Chính vì vậy, khi xếp các quyền có liên quan vào một nhóm chung là quyền về gia đình, nhóm chung này sẽ mang đặc trưng và đôi khi được xếp vào cả hai nhóm quyền dân sự và quyền xã hội. Cụ thể, về khía cạnh quan hệ thân nhân và tài sản, quyền về gia đình thuộc nhóm quyền dân sự, tuy nhiên, ở khía cạnh an sinh xã hội, quyền này thuộc nhóm quyền xã hội.


Điều 23 ICCPR quy định: Gia đình là một tế bào cơ bản và tự nhiên của xã hội, cần phải được nhà nước và xã hội bảo hộ. Quyền kết hôn và lập gia đình của nam và nữ đến tuổi kết hôn phải được thừa nhận. Không được tổ chức việc kết hôn nếu không có sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cặp vợ chồng tương lai. Các quốc gia thành viên Công ước phải tiến hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm sự bình đẳng về quyền và trách nhiệm của vợ và chồng trong suốt thời gian chung sống và khi ly hôn. Trong trường hợp ly hôn, phải có quy định bảo đảm sự bảo hộ cần thiết với con cái.


Liên quan đến Điều 23 ICCPR, HRC đã giải thích thêm về ý nghĩa và nội dung của các quyền ghi nhận trong Điều này trong Bình luận chung số 19 thông qua tại phiên họp thứ 39 năm 1990 của Ủy ban, có thể tóm tắt những điểm quan trọng như sau:


Thứ nhất, Khoản 2 Điều 23 ICCPR khẳng định quyền của nam và nữ đến tuổi kết hôn thì được kết hôn và lập gia đình một cách tự do, tự nguyện. Công ước không quy định độ tuổi kết hôn cụ thể cho cả nam giới lẫn nữ giới - việc này tùy thuộc pháp luật của các quốc gia thành viên; tuy nhiên, độ tuổi kết hôn cần ở mức phù hợp để anh ta hoặc cô ta có thể thể hiện được sự tự nguyện hoàn toàn việc kết hôn trong khuôn khổ và điều kiện luật pháp cho phép. Thêm vào đó, các qui định pháp luật quốc gia về vấn đề này phải phù hợp với các quyền khác được Công ước bảo đảm, ví dụ như quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tín ngưỡng (hàm ý rằng luật pháp của mỗi quốc gia phải tạo điều kiện cho khả năng kết hôn giữa những người theo các tôn giáo khác nhau và có quốc tịch khác nhau). Việc pháp luật quốc gia quy định lễ cưới phải đồng thời được tổ chức theo nghi thức tôn giáo và đăng ký kết hôn theo luật dân sự cũng không trái với Công ước (đoạn 4).


Thứ hai, về nguyên tắc, quyền xây dựng gia đình hàm ý là nam  nữ có thể sinh đẻ và sống cùng nhau một cách tự nguyện. Vì vậy, chính sách kế hoạch hóa gia đình của các quốc gia thành viên phải phù hợp các điều khoản có liên quan của Công ước và đặc biệt không được mang tính chất phân biệt đối xử hay cưỡng bức. Thêm vào đó, quyền này cũng đòi hỏi các quốc gia thành viên phải thực thi các biện pháp phù hợp, cả ở cấp độ quốc gia và hợp tác quốc tế, để đảm bảo sự thống nhất hay tái thống nhất các gia đình bị chia tách do các nguyên nhân chính trị, kinh tế hay các nguyên nhân khác (đoạn 5).


Thứ ba, về quyền bình đẳng khi kết hôn, HRC đặc biệt lưu ý rằng không được có sự phân biệt đối xử về giới tính liên quan đến việc nhập hay từ bỏ quốc tịch do kết hôn. Tương tự, HRC cũng lưu ý rằng cần bảo đảm quyền của cả vợ và chồng được giữ nguyên họ của anh ta hay cô ta, hoặc được bình đẳng trong việc lựa chọn một họ mới sau khi kết hôn (đoạn 7).


Thứ tư, quyền bình đẳng giữa vợ và chồng liên quan đến tất cả các vấn đề nảy sinh trong đời sống gia đình, ví dụ như việc lựa chọn nơi cư trú, tổ chức cuộc sống, giáo dục con cái, quản lý tài sản... (đoạn 8). Vì vậy, không được có bất cứ sự phân biệt đối xử nào giữa vợ và chồng trong các vấn đề như cơ sở và các thủ tục ly hôn, việc trông nom, chu cấp, nuôi dưỡng, thăm nom con cái...(đoạn 9).

 


(Trích Giáo trình Lý luận và Pháp luật về Quyền con người, Khoa Luật - ĐHQGHN, NXB CTQG, 2009, trang  237 - 240)


Các tin khác: