HỎI ĐÁP VỀ QUYỀN CON NGƯỜI
Hỏi đáp về quyền con người là một cuốn sách do nhóm tác giả Khoa Luật - ĐHQGHN biên soạn, mới được NXB CAND xuất bản trong quý I/ 2010.



Kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập (năm 1945), quyền con người đã được quy định cụ thể trong hàng trăm văn kiện pháp luật quốc tế, trở thành một hệ thống tiêu chuẩn pháp lý toàn cầu  đòi hỏi mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, tôn trọng và thực hiện. Việc phổ biến và giáo dục nhân quyền ngày càng được chú trọng ở Việt Nam. Vì thế, cuốn Hỏi đáp về quyền con người được biên soạn nhằm giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận với những nội dung cốt lõi nhất của vấn đề nhân quyền.

 

Các câu hỏi - đáp xoay quanh các nội dung cơ bản sau:


 

Phần I: Khái lược về quyền con người

Phần II: Luật nhân quyền quốc tế và cơ chế của Liên hợp quốc về bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền

Phần III: Nội dung khái quát của một số quyền con người cơ bản theo pháp luật quốc tế và Việt Nam

Phần IV: Khái quát về lịch sử, quan điểm và chính sách về nhân quyền ở Việt Nam

Phụ lục I: Danh mục các văn kiện quốc tế về nhân quyền

Phụ lục II: Danh mục một số điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên

Phụ lục III: Bộ luật nhân quyền quốc tế


Mời các bạn đón đọc!



MỘT SỐ TRÍCH ĐOẠN:




Câu hỏi 1

“Quyền con người” là gì?

Trả lời

Có nhiều định nghĩa khác nhau về quyền con người (human rights), tuy nhiên, định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc thường được trích dẫn bởi các nhà nghiên cứu, theo đó:


Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu (universal legal guarantees) có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động (action) hoặc sự bỏ mặc (omission) làm tổn hại đến nhân phẩm, tự do cơ bản (fundamental freedoms) của con người.


Bên cạnh đó, nhân quyền còn được định nghĩa một cách khái quát là những quyền bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được hưởng thì chúng ta sẽ không thể sống như một con người[2].

Ở Việt Nam, một số định nghĩa về quyền con người do một số chuyên gia, cơ quan nghiên cứu từng nêu ra cũng không hoàn toàn giống nhau, nhưng xét chung, quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.

Trong thực tế ở Việt Nam, bên cạnh thuật ngữ “quyền con người”, có một thuật ngữ khác cũng được sử dụng, đó là “nhân quyền”. Cả hai thuật ngữ này đều bắt nguồn từ thuật ngữ chung bằng tiếng Anh được sử dụng trong môi trường quốc tế, đó là human rights. Từ human rights trong tiếng Anh có thể được dịch là quyền con người (thuần Việt) hoặc nhân quyền (Hán – Việt). Theo Đại Từ điển Tiếng Việt, “nhân quyền” chính là “quyền con người”[3]. Như vậy, xét về mặt ngôn ngữ học, quyền con người và nhân quyền là hai từ đồng nghĩa, do đó, hoàn toàn có thể sử dụng cả hai từ này trong nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động thực tiễn về nhân quyền.

 

Câu hỏi 2

Quyền con người có nguồn gốc tự nhiên hay do pháp luật quy định ?

Trả lời

Về vấn đề trên, có hai trường phái trái ngược nhau. Những người theo học thuyết về quyền tự nhiên (natural rights) – mà tiêu biểu là các tác giả như Zeno (333-264 TCN), Thomas Hobbes, Thomas Paine (1731–1809)... cho rằng nhân quyền là những gì bẩm sinh, vốn có mà mọi cá nhân sinh ra đều được hưởng, chỉ đơn giản bởi họ là thành viên của gia đình nhân loại. Các quyền con người, do đó, không phụ thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa hay ý chí của bất cứ cá nhân, giai cấp, tầng lớp, tổ chức, cộng đồng hay nhà nước nào; và không một chủ thể nào, kể cả các nhà nước, có thể ban phát hay tước bỏ các quyền con người. (1588–1679), John Locke (1632-1704),

Ngược lại, những người theo học thuyết về các quyền pháp lý (legal rights) – mà tiêu biểu là các tác giả như Edmund Burke (1729-1797), Jeremy Bentham (1748-1832)...cho rằng các quyền con người không phải là những gì bẩm sinh, vốn có một cách tự nhiên mà phải do các nhà nước quy định trong pháp luật. Như vậy, theo học thuyết này, phạm vi, giới hạn và ở góc độ nhất định, cả thời hạn hiệu lực của các quyền con người phụ thuộc vào ý chí của tầng lớp thống trị và các yếu tố như phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa...của các xã hội. 

 Cho đến nay, cuộc tranh luận về tính đúng đắn của hai học thuyết kể trên vẫn còn tiếp tục. Việc phân định tính chất đúng, sai, hợp lý và không hợp lý của hai học thuyết này là không đơn giản do chúng liên quan đến một phạm vi rộng lớn các vấn đề triết học, chính trị, xã hội, đạo đức, pháp lý…Mặc dù vậy, dường như quan điểm cực đoan phủ nhận hoàn toàn bất cứ học thuyết nào đều không phù hợp, bởi lẽ trong khi về hình thức, hầu hết các văn kiện pháp luật của các quốc gia đều thể hiện các quyền con người là các quyền pháp lý, thì trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, một số văn kiện pháp luật và văn kiện chính trị pháp lý ở một số quốc gia, nhân quyền được khẳng định một cách rõ ràng là các quyền tự nhiên, vốn có và không thể chuyển nhượng được của các cá nhân[4].



[1] United Nations, Freequently Asked Questions on a Human Rights-based Approach to Development Cooperation, New York and Geneva, 2006, tr.8.

[2] United Nations, Human Rights: Questions and Answers, New York and Geneva, 2006, tr.4.

[3] Viện Ngôn ngữ học: "Đại Từ điển Tiếng Việt", NXB Văn hoá - Thông tin, H.,1999, tr.1239.

[4] Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền (đoạn 1, Lời nói đầu) nêu rằng: …thừa nhận phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Ở góc độ quốc gia, Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1776) nêu rằng: ..mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…Những tuyên bố này về sau được tái khẳng định trong bản Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền 1789 của nước Pháp và bản Tuyên ngôn Độc lập 1946 của Việt Nam.


.......................




Câu hỏi 10

                   Quyền con người, quyền công dân có gì giống, khác nhau?                              

Trả lời

 Quyền con người và quyền công dân là hai phạm trù rất gần gũi nhưng không đồng nhất. Quyền công dân (citizen’s rights) là một khái niệm xuất hiện cùng cách mạng tư sản. Cách mạng tư sản đã đưa con người từ địa vị những thần dân trở thành những công dân (với tư cách là những thành viên bình đẳng trong một nhà nước) và pháp điển hóa các quyền tự nhiên của con người dưới hình thức các quyền công dân. Như vậy, về bản chất, các quyền công dân chính là những quyền con người được các nhà nước thừa nhận và áp dụng cho công dân của mình.

 Tuy nhiên, quyền công dân không phải là hình thức cuối cùng và toàn diện của quyền con người. Với ý nghĩa là một khái niệm gắn liền với nhà nước, thể hiện mối quan hệ giữa công dân với nhà nước, được xác định thông qua một chế định pháp luật đặc biệt là chế định quốc tịch, quyền công dân là tập hợp những quyền tự nhiên được pháp luật của một nước ghi nhận và bảo đảm, nhưng chủ yếu dành cho những người có quốc tịch của nước đó. Không phải ai cũng được hưởng các quyền công dân của một quốc gia nhất định, và không phải hệ thống quyền công dân của mọi quốc gia đều giống hệt nhau, cũng như đều hoàn toàn tương thích với hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.

Ở nhiều góc độ, quyền con người là khái niệm rộng hơn quyền công dân. Về tính chất, quyền con người không bị bó hẹp trong mối quan hệ giữa cá nhân với nhà nước mà thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với toàn thể cộng đồng nhân loại. Về phạm vi áp dụng, do không bị giới hạn bởi chế định quốc tịch, chủ thể của quyền con người là tất cả các thành viên của gia đình nhân loại, bất kể vị thế, hoàn cảnh, quốc tịch...Nói cách khác, quyền con người được áp dụng một cách bình đẳng với tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc đang sinh sống trên phạm vi toàn cầu, không phụ thuộc vào biên giới quốc gia, tư cách cá nhân hay môi trường sống của chủ thể quyền.

 Một cá nhân, ngoại trừ những người không quốc tịch, về danh nghĩa đồng thời là chủ thể của cả hai loại quyền con người và quyền công dân, tuy nhiên, sự phân biệt trong thụ hưởng hai loại quyền này chỉ được thể hiện trong một số hoàn cảnh đặc biệt. Ví dụ, một người nước ngoài sẽ không được hưởng một số quyền công dân (và cũng là những quyền con người) đặc thù, chẳng hạn như quyền bầu cử, ứng cử...tuy nhiên, người đó vẫn được hưởng các quyền con người phổ biến (mà đồng thời cũng là các quyền công dân) áp dụng cho mọi thành viên của nhân loại trong mọi hoàn cảnh, cụ thể như quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân...


.......................


Câu hỏi 12

                    Quyền con người và an ninh con người có mối liên hệ như thế nào?                              

Trả lời  

An ninh con người (human security) là vấn đề mới được đề cập kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và hiện đang được thảo luận sôi nổi trên thế giới. Báo cáo thường niên về phát triển con người của UNDP năm 1994 định nghĩa an ninh con người là sự cấu thành của hai điều kiện: (i) An toàn không bị đe dọa bởi đói nghèo, bệnh tật và sự  áp bức, và (ii) Được bảo vệ khi gặp những rủi ro bất thường trong cuộc sống, kể cả trong gia đình, trong công việc hay ngoài xã hội. Báo cáo này cũng xác định bảy lĩnh vực chính của an ninh con người, bao gồm: (i) An ninh kinh tế (economic security) – hàm ý sự bảo đảm về việc làm và thu nhập cơ bản; (ii) An ninh lương thực  (food security) – thể hiện ở việc được bảo đảm nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm; (iii) An ninh sức khỏe (health security) –An ninh môi trường (environmental security) – thể hiện ở việc được bảo vệ trước thiên tai, tai họa do con người gây ra và sự ô nhiễm môi trường sống; (v) An ninh cá nhân (personal security) – thể hiện ở việc được bảo vệ trước những hành vi tội phạm, bạo lực hoặc lạm dụng thể chất do bất kể chủ thể nào gây ra; (vi) An ninh cộng đồng (community security) – thể hiện ở việc được duy trì các mối quan hệ và giá trị truyền thống của cộng đồng; (vii) An ninh chính trị (political security) – thể hiện ở việc được tôn trọng các quyền con người cơ bản, đặc biệt là các quyền dân sự, chính trị[1]. thể hiện ở việc được bảo đảm ở mức tối thiểu trong phòng chống dịch bệnh và chăm sóc y tế; (iv)

Từ định nghĩa kể trên của UNDP, có thể thấy an ninh con người và quyền con người có mối quan hệ mật thiết, tác động và hỗ trợ lẫn nhau. Việc bảo đảm bảy dạng an ninh con người, về bản chất, cũng chính là bảo đảm các quyền con người tương ứng. Ngược lại, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người tương ứng cũng chính là nhằm thực hiện, bảo đảm bảy dạng an ninh con người. Thêm vào đó, cả an ninh con người và quyền con người đều hướng vào việc thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ và sự phát triển về thể chế trong các xã hội như là những điều kiện để bảo đảm an ninh và các quyền của con người một cách bền vững.

Tương tự như với vấn đề phát triển con người, sự khác biệt giữa các chương trình, hoạt động về an ninh con người và về quyền con người chủ yếu thể hiện ở cách tiếp cận. Trong khi về cơ bản, các chương trình an ninh con người sử dụng cách tiếp cận giống như phát triển con người (tuy có đa dạng và mềm dẻo hơn) là tiếp cận theo chiều dọc, từ trên xuống, chủ yếu thông qua các nhà nước, thì quyền con người tiếp cận theo chiều ngang, thông qua cả nhà nước và xã hội dân sự. Thêm vào đó, nếu như các hoạt động an ninh con người hướng vào việc giúp con người đạt được sự tự do về nhiều mặt (tự do thoát khỏi đói nghèo - freedom from want; tự do không bị áp bức - freedom from fear, và tự do quyết định các hành động của bản thân mình - freedom to take action on one’s own behalf) thì hoạt động về quyền con người chủ yếu hướng vào việc giúp con người đạt được tự do không bị áp bức. Chính vì vậy, trong khi các hoạt động an ninh con người chú trọng cả hai biện pháp bảo vệ và trao quyền (hay nâng cao năng lực - empowerment) thì các hoạt động về quyền con người thường lấy việc bảo vệ làm trọng tâm.

Câu hỏi 13

                              Quyền con người và tự do có mối liên hệ như thế nào?                              

Trả lời  

Khái niệm tự do (freedom) có thể hiểu một cách khái quát là tình trạng một cá nhân có thể và có khả năng hành động theo ý chí, nguyện vọng của mình, phù hợp với các quy phạm pháp lý và đạo đức trong một xã hội dân chủ. Tự do thường được phân thành tự do chủ động (positive freedom) và tự do thụ động (negative freedom). Tự do chủ động là tự do của cá nhân nhằm để đạt được mục tiêu cụ thể nào đó (ví dụ như tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp…). Tự do thụ động là tự do của cá nhân khỏi bị các chủ thể khác xâm phạm đến (như tự do thân thể…).

Tự do là một yếu tố nền tảng của nhân phẩm, phẩm giá cao quý của con người. Việc tước đoạt tự do và nhân quyền làm tổn hại nghiêm trọng đến nhân phẩm. Chính bởi vậy J.J.Rousseau đã chỉ trích những người không dám đứng lên bảo vệ tự do: “Từ bỏ tự do của mình là từ bỏ phẩm chất con người, từ bỏ quyền làm người và cả nghĩa vụ làm người” (Bàn về Khế ước Xã hội - 1762). Tự do mang tính lựa chọn cá nhân, J.S.Mill cho rằng cần bảo vệ tư do của các cá nhân để họ được “sống hạnh phúc theo ý của họ, hơn là bắt họ sống hạnh phúc theo ý những người xung quanh” (Bàn về tự do - 1859). Cũng về điều này, K.Marx và F.Engels khẳng định cần hướng đến một xã hội lý tưởng trong tương lai mà “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người.” (Tuyên ngôn của đảng cộng sản - 1848).

Luật nhân quyền quốc tế đề cập đến cả hai khái niệm: các quyền (rights) và tự do cơ bản (fundamental freedoms) của con người. Tuy nhiên, trên thực tế hầu như không có sự phân biệt và khác biệt trong vận dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quyền và tự do cơ bản của con người, bởi lẽ các tự do cơ bản thường được diễn đạt như là các quyền (ví dụ, tự do ngôn luận cũng thường được gọi là quyền tự do ngôn luận..).



[1] UNDP, Human Development Report, 1994, New York, Oxford University Press, 1994, tr.22.



...........


 


Câu hỏi 74:

     Các quyền con người được tôn trọng như thế nào trong truyền thống và lịch sử Việt Nam?

 

Với ý nghĩa là nền tảng của sự tôn trọng các quyền con người, lòng khoan dung, nhân đạo là những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Điều này cơ bản xuất phát từ lịch sử hàng ngàn năm kiên cường chống chọi với thiên tai và các thế lực ngoại xâm của người Việt. Chính lịch sử thăng trầm và điều kiện sống khắc nghiệt đã hun đúc lên những giá trị văn hóa, tinh thần tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, trong đó có tinh thần nhân ái, độ lượng và vị tha trong đối xử với những người lầm lỗi, ngay cả với những kẻ xâm lược…

Tư tưởng khoan dung, nhân đạo kể trên trước hết thể hiện trong các truyền thuyết và kho tàng thơ ca dân gian của Việt Nam. Những tư tưởng đó còn ảnh hưởng đến cách thức cầm quyền qua các thời đại. Từ thời các vua Hùng dựng nước, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chú ý kết hợp giữa “nhân trị” với “pháp trị”, giữa “trị quốc” và “an dân”. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” đã được Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đề cập một cách trực tiếp và gián tiếp từ những thế kỷ XIV, XV…Có lẽ bởi vậy, lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam không có nhiều trang tàn bạo, khốc liệt như ở nhiều nước khác trên thế giới mà ngược lại, hầu như ở thời kỳ nào cũng có những ví dụ về tinh thần khoan dung, nhân đạo đối với những kẻ lầm lạc và kể cả những tên giặc ngoại xâm.

Vào thời kỳ nhà Lý, bộ Hình thư được ban hành là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử pháp quyền Việt Nam, nội dung của bộ luật thể hiện tính nhân đạo rất cao. Mặc dù được ban hành để bảo vệ quyền lợi của Nhà nước phong kiến tập quyền, song bộ luật này đã bao gồm những quy định nhằm hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền áp bức dân lành của giới quan liêu quý tộc. Bộ luật này còn chứa đựng nhiều quy định giàu tính nhân văn, nhân đạo, chẳng hạn như quy định cấm mua bán và bắt hoàng nam (trẻ em trai) làm nô lệ,  không quy định hình phạt tử hình… Hội nghị Diên Hồng (1284) dưới triều Trần thể hiện một cách đặc biệt sinh động tinh thần lấy dân làm gốc. Tư tưởng này sau đó cũng được khắc họa bởi vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, người trước khi qua đời còn khuyên vua cần quan tâm đến dân, “khoan thư sức dân” để làm kế “sâu rễ bền gốc”. Ở một góc độ khác, tinh thần nhân đạo, nhân văn thời nhà Trần còn được phản ánh qua hình ảnh của nhà vua Trần Nhân Tôn, người được coi là một Phật hoàng, hay qua việc nhà Trần đối xử nhân đạo với tù binh.

Tinh thần khoan dung, nhân đạo ở thời Lê được thể hiện ngay trong giai đoạn xây dựng vương triều, qua việc đối xử khoan dung với 10 vạn quân Minh bại trận. Đặc biệt ở thời Lê là bộ "Quốc triều hình luật" (thế kỷ XV), hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức. Bộ luật này - đã kế thừa những giá trị tinh hoa truyền thống về kỹ thuật lập pháp và đặc biệt là tư tưởng nhân đạo của dân tộc - được nhiều nhà luật học trong và ngoài nước coi là một trong bộ luật chặt chẽ, đầy đủ, tiến bộ nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam, có thể xếp ngang hàng với những bộ luật nổi tiếng trên thế giới. Bộ luật chứa đựng nhiều điều khoản có ý nghĩa khẳng định và bảo vệ các quyền con người, tiêu biểu như: bảo vệ tính mạng, nhân phẩm và tài sản của người dân; bảo vệ người dân khỏi bị nhũng nhiễu bởi giới quan lại, cường hào; bảo vệ những đối tượng yếu thế trong xã hội (những người mồ côi, con nuôi, những kẻ đau ốm không nơi nương tựa, những người goá vợ, goá chồng, tàn tật, nghèo khổ không thể tự mình mưu sống, người chết không có thân nhân...); bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ… Đến triều đại Tây Sơn, mặc dù chỉ duy trì được vương quyền trong một thời gian ngắn (1789 - 1802), song qua một số chiếu chỉ của Vua Quang Trung như chiếu lên ngôi, chiếu cầu hiền, chiếu khuyến nông, chiếu lập học...cũng cho thấy sự kế thừa tinh thần nhân văn của dân tộc một cách rất rõ nét. Triều Nguyễn, mặc dù bộ "Hoàng triều luật lệ" (còn gọi là Bộ luật Gia Long) bị coi là khắc nghiệt, song nhiều vua nhà Nguyễn cũng có những chính sách tiến bộ và phản ánh tinh thần nhân văn, nhân đạo của dân tộc, trong đó có những chính sách chiêu mộ người dân khai khẩn đất hoang mà đã góp phần mở mang bờ cõi cho dân tộc về phía Nam nhiều hơn tất cả các triều đại trước cộng lại…

Tư tưởng về quyền con người xuyên suốt trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam còn thể hiện ở truyền thống dân chủ trong nhiều lĩnh vực, mà tiêu biểu là trong việc quản lý cộng đồng, tuyển dụng và sử dụng nhân tài, trong việc thảo luận và quyết định các công việc quốc gia đại sự. Như vậy, có thể khẳng định dân tộc Việt Nam có truyền thống nhân đạo và tôn trọng con người, nhiều triều đại trong lịch sử đã biết trân trọng ý kiến nhân dân ở những mức độ nhất định.

 

 

 

 

Câu hỏi 75:

     Ai là người nhắc đến khái niệm nhân quyền sớm nhất ở Việt Nam?

 

Từ cuối thế kỷ XIX, nhiều trí thức Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Huỳnh Thúc Kháng…đã tiếp thu các tư tưởng tiến bộ về tự do, bình đẳng, bác ái, tư tưởng về dân quyền, dân chủ của Cách mạng tư sản. Ban đầu, có ảnh hưởng đặc biệt lớn đến các nhà nho yêu nước cấp tiến là các bản dịch tác phẩm của Rousseau, Hobbes, Locke… do các nhà tư tưởng Trung Quốc cùng thời như Khang Hữu Vi (Kang Youwei, 1858 - 1927), Lương Khải Siêu (Liang Qichao, 1873 – 1929) dịch và giới thiệu trên các tạp chí tiếng Trung. Sau này, do có điều kiện ra nước ngoài nhiều, các nhà cách mạng Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu càng hiểu thêm sâu sắc về tư tưởng tự do và dân quyền, hai ông đã trở thành những người truyền bá những tư tưởng này sớm nhất, có hệ thống nhất ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Một trong các chủ trương của Phong trào Duy Tân (khởi xướng từ khoảng năm 1903, với các lãnh tụ chính yếu Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp),  là vận động nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, phát triển dân sinh, vận động dân quyền. Trong sách “Tự Phán”, Phan Bội Châu cho biết sau khi đi Nhật trở về năm 1906, Phan Châu Trinh khẳng định lập trường: "Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được."  Có thể khẳng định Phan Châu Trinh là nhà hoạt động chính trị đầu tiên đề xướng dân quyền ở Việt Nam. Sau khi sang Pháp năm 1911 nhờ sự can thiệp của Hội nhân quyền (trụ sở tại Pháp), ông cũng là người đầu tiên báo động tình trạng thiếu dân quyền ở Việt Nam và lên án chế độ phong kiến, thực dân trong nước bằng các bài diễn thuyết và các bài viết như thư gửi Hội nhân quyền về cuộc dân biến ở Trung Kỳ (1911), “Đông Dương chính trị luận” (1913), thư “Thất điều” kể tội của vua Khải Định (1922), “Bản kiến nghị gửi Tổng thống Pháp về hiện trạng Đông Dương” (1925)... Cuối năm 1925, Phan Châu Trinh về nước, ông có hai bài diễn thuyết tại Sài Gòn, trong đó bài “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa” hướng đến một xã hội dân chủ và pháp trị.

Phan Bội Châu, mặc dù lựa chọn con đường cách mạng khác, nhưng cũng dùng thơ văn và các bài diễn thuyết kêu gọi người dân có ý thức về các quyền tự do. Chẳng hạn trong loạt bài “Nam quốc dân tu tri” (Quốc dân nam giới cần biết, được đăng dần trên báo Tiếng Dân từ tháng 8/1926), tác giả kêu gọi công dân có ý thức về quyền lợi, nghĩa vụ đối với xã hội, với quốc gia, giải thích thế nào là “độc lập”, “tự do”…Các nhân quyền cơ bản đã được ông trình bày dưới dạng thơ rất xúc tích và lý thú:

Miệng có quyền nói,

Óc có quyền suy.

Chân có quyền đi,

Tay có quyền đẩy.

Mắt có quyền thấy,

Tai có quyền nghe.

Đất nọ xứ kia,

Có quyền dời ở.

Viết sách làm vở,

Quyền bút mặc lòng.

Hội hè việc chung,

Có quyền nhóm họp…

Quyền lợi rành rành,

Đồng bào phải biết!

                       (Bài 17.Quyền lợi trong “Nam quốc dân tu tri”)[1]



[1] “Phan Bội Châu Toàn Tập, Tập 8, Văn vần 1925 – 1949”, NXB Thuận Hóa & Trung tâm văn hóa Đông Tây, 2001, trang 19.


Ảnh: nhà cách mạng Phan Bội Châu; bìa cuốn sách “Phan Châu Trinh Toàn tập” (3 tập) do NXB Đà Nẵng xuất bản năm 2005; Đám tang Phan Châu Trinh (1926)

 

Câu hỏi 76:

Phong trào dân quyền ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã diễn ra như thế nào?

 

Từ những chuyển biến về tư tưởng tự do và dân chủ, nhiều cuộc vận động đã diễn ra vào đầu thế kỷ XX ở Việt Nam từ trong và ngoài nước nhằm mục tiêu đánh đổ ách phong kiến, thực dân, giành quyền độc lập cho dân tộc và các quyền tự do cho nhân dân. Các phong trào giai đoạn này rất đa dạng về hình thức và nội dung, có sự tham gia của nhiều giới, nhiều thành phần xã hội, không chỉ trí thức, học sinh mà cả công nhân, nông dân, viên chức…Các phong trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ không tách biệt với phong trào đòi độc lập dân tộc.

Phong trào Duy Tân là một trong những phong trào đầu tiên, được khởi xướng từ các năm 1903 - 1908. Một chủ trương của phong trào này là vận động nâng cao dân trí, chú trọng các kiến thức về dân quyền. Nhiều trường học được thành lập trên cả nước nhằm thực hiện chủ trương này, tiêu biểu nhất là Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập năm 1907 tại Hà Nội với mục tiêu du nhập những tư tưởng dân chủ, phát triển văn hóa, thúc đẩy sử dụng chữ quốc ngữ, từ bỏ những yếu tố lạc hậu trong Khổng giáo…Phong trào Duy Tân đã góp phần dẫn tới những chuyển biến về tư tưởng và xã hội đáng kể, đặc biệt là phong trào kháng thuế ở miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) năm 1908.

Một số nhà cách mạng lựa chọn con đường có thiên hướng bạo động hơn. Năm 1912, Việt Nam Quang phục Hội được thành lập bởi Phan Bội Châu tại Quảng Châu do ảnh hưởng của Cách mạng Tân Hợi (1911), đây là một tổ chức cách mạng theo tư tưởng dân chủ với tôn chỉ: khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam Cộng hòa Dân quốc. Giai đoạn sau có khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc Dân Đảng phát động, cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (năm 1930), cao trào cách mạng ở các tỉnh Nam Trung Kỳ, Bắc Kỳ (1930 – 1931).

Nhiều người hoạt động đòi các quyền dân chủ từ nước ngoài như Phan Châu Trinh (giai đoạn 1911 -1925 ở Pháp), Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc…Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp đã soạn và gửi “Yêu sách của nhân dân Việt Nam”, bản yêu sách này gồm 8 điều, trong đó có 4 điều trực tiếp về các quyền cơ bản. “Bản án chế độ thực dân Pháp” được xuất bản bằng tiếng Pháp tại Paris (năm 1925) đã lên án chế độ cai trị thuộc địa tàn bạo, vô nhân đạo của thực dân Pháp và đòi các quyền độc lập, tự quyết cho các dân tộc thuộc địa.

Trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, cuộc đấu tranh đòi các quyền tự do diễn ra cả công khai và bí mật. Năm 1925, báo “Thanh niên” được thành lập và ra số đầu tiên. Năm 1927, báo “Tiếng Dân”, cơ quan ngôn luận độc lập đầu tiên tại Trung Kỳ, được Huỳnh Thúc Kháng và Phan Bội Châu thành lập, tờ báo này có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức miền Trung trong gần 16 năm (1927 - 1943)… Đặc biệt trong giai đoạn 1936 -1939, bên cạnh các phong trào như Đông Dương Đại hội, các cuộc vận động bầu cử…, phong trào của giới báo chí Việt Nam càng sôi động với các hoạt động đòi quyền tự do báo chí và thành lập tổ chức thống nhất của báo giới trên toàn quốc (Hội nghị báo giới Trung Kỳ, Hội nghị báo giới Bắc Kỳ …).

Điều đặc biệt là có một số phong trào gắn liền với các lãnh tụ nổi tiếng như phong trào đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu (năm 1925) và phong trào để tang Phan Châu Trinh (năm 1926). Cả hai phong trào này đều lan rộng cả nước ở khắp ba miền Bắc Trung Nam, ở cả các đô thị lớn và vùng nông thôn, khiến thực dân Pháp phải tìm đủ mọi cách kiểm soát, khống chế và trả thù. Các phong trào này đã làm thức tỉnh cả một thế hệ thanh niên, giúp họ nhận thức rõ hơn về sứ mệnh đấu tranh giành độc lập và tự do cho dân tộc, nhiều người sau này trở thành lãnh đạo trong cuộc cách mạng mùa thu năm 1945.


.........





Các tin khác: