HIỂU THÊM VỀ TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN (UDHR, 1948 )
Gần đây, các hoạt động tìm hiểu, thảo luận về quyền con người diễn ra ngày càng sôi nổi. Bản "Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền" đang được phổ biến nhiều hơn đến mọi người. Đây là điểm khởi đầu rất thích hợp cho việc tìm hiểu xa hơn về lĩnh vực này. Từ đó, người dân cùng nhau yêu cầu các công chức, cơ quan nhà nước phải tôn trọng các nghĩa vụ về nhân quyền. Các cơ quan nhà nước cũng hiểu rõ hơn và thực thi các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo vệ người dân, tạo dựng một xã hội lành mạnh, phát triển.


Về giá trị của bản Tuyên ngôn này, chúng ta cần lưu ý nó không phải một điều ước quốc tế (treaty) nên không đòi hỏi các quốc gia phải ký kết hay gia nhập (như một số người vẫn nhầm tưởng là Việt Nam "đã ký"). Tuyên ngôn là một văn kiện chính trị, thể hiện cam kết chung của các quốc gia, đặc biệt là các thành viên của Liên Hợp Quốc (Việt Nam tham gia LHQ năm 1977). Theo thời gian, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (viết tắt là UDHR) trở thành luật tập quán, tức là về mặt pháp lý nó có giá trị thấp hơn các điều ước ràng buộc pháp lý (như ICCPR và ICESCR 1966 mà Việt Nam đã gia nhập năm 1982).


Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR, 1948) và 2 công ước: Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966)Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR, 1966) làm thành trụ cột của luật nhân quyền quốc tế. Ba văn kiện này đôi khi được gọi chung là Bộ luật nhân quyền quốc tế (International Bill of Human Rights).


Để hiểu sâu hơn về Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948, các bạn có thể đọc cuốn sách "Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948: Mục tiêu chung của nhân loại" đã được Khoa Luật - ĐHQGHN xin phép các tác giả, dịch và xuất bản. Cuốn sách này do Gudmundur Alfredsson (Viện Luật nhân quyền và nhân đạo Raoul Wallenburg, Thụy Điển) và Asbjorn Eide (Viện Nhân quyền Na Uy) chủ biên. Cuốn sách bao gồm các bài viết của các chuyên gia, cá nhân hoặc theo nhóm, phân tích từng điều khoản của Tuyên ngôn. Mỗi bài viết thường bao gồm các nội dung:

-         Giới thiệu khái quát;

-         Quá trình soạn thảo điều luật trong bối cảnh chung của việc soạn thảo Tuyên ngôn;

-         Các chuẩn mực quốc tế liên quan;

-         Các chuẩn mực khu vực (châu Âu, châu Mỹ, châu Phi...);

-         Một số khía cạnh liên quan khác.


Đọc toàn văn cuốn sách về UDHR - 1948 (NXB LĐ-XH, 2011) tại đây: PDF.


       

        * Để tìm hiểu hệ thống hơn về quyền con người, các bạn có thể đọc các cuốn: Hỏi đáp về Quyền con người (NXB ĐHQGHN, 2013)

Giáo trình về quyền con người (NXB ĐHQGHN, 2011).


       

        * Tùy lĩnh vực quan tâm, bạn đọc tìm hiểu tiếp về 2 công ước cơ bản nhất về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên (đã ký kết/ gia nhập) trong 2 cuốn sách:


- Giới thiệu Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và chính trị (ICCPR, 1966) (NXB Hồng Đức, 2012).


- Giới thiệu Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR, 1966) (NXB Hồng Đức, 2012).


      


        * Về mối quan hệ giữa luật nhân quyền quốc tế và hiến pháp, pháp luật quốc gia có thể đọc thêm các cuốn:


- ABC VỀ HIẾN PHÁP (NXB Thế giới, 2013).


- Tuyển tập hiến pháp của một số quốc gia (NXB Hồng Đức, 2012).


        Trân trọng giới thiệu.



Các tin khác: