LUẬT VỀ QUYỀN CỦA CÁC NHÓM DỄ BỊ TỔN THƯƠNG
Trong Quý II, 2011, Khoa Luật - ĐHQGHN đã cho ra mắt cuốn sách: "Luật quốc tế về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương" (NXB Lao động - Xã hội).

Nội dung cơ bản của cuốn sách gồm có:

 

GIỚI THIỆU


PHẦN I

KHÁI LƯỢC VẤN ĐỀ QUYỀN CỦA NHÓM TRONG LUẬT QUỐC TẾ

1.1. Nhận thức về quyền của nhóm

1.2.Tầm quan trọng của việc thừa nhận và bảo đảm các quyền của nhóm

1.3.Nguồn gốc và sự phát triển các quyền của nhóm trong luật nhân quyền quốc tế


PHẦN II

QUYỀN CỦA MỘT SỐ NHÓM NGƯỜI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG TRONG LUẬT QUỐC TẾ

2.1. Khái quát

2.2. Quyền của phụ nữ theo luật quốc tế

2.2.1. Khái quát lịch sử phát triển của vấn đề quyền của phụ nữ 

2.2.2. CEDAW – văn kiện quốc tế quan trọng nhất về quyền con người của phụ nữ  

2.3. Quyền của trẻ em theo luật quốc tế

2.3.1.Khái quát lịch sử phát triển của vấn đề quyền trẻ em   

2.3.2. CRC - văn kiện quốc tế cơ bản và toàn diện nhất về quyền trẻ em

2.4. Quyền của những người sống chung với HIV/AID theo luật quốc tế

2.4.1.Khái quát lịch sử phát triển của vấn đề quyền của những người sống chung với HIV/AIDS

2.4.2.Các hướng dẫn quốc tế về HIV/AIDS và quyền con người

2.5. Quyền của người khuyết tật theo luật quốc tế

2.5.1.Khái quát lịch sử phát triển của vấn đề quyền của những người khuyết tật

2.5.2. Những nội dung chủ yếu của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật

2.6. Quyền của người lao động di trú theo luật quốc tế

2.6.1.Khái quát lịch sử phát triển của vấn đề quyền của người lao động di trú

2.6.2.Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người lao động di trú và gia đình họ

2.6.3.Các tiêu chuẩn của ILO về bảo vệ quyền của người lao động di trú

2.7. Quyền của người thiểu số theo luật quốc tế

2.7.1.Nhận thức về người thiểu số và sự phát triển của vấn đề quyền của người thiểu số trong pháp luật quốc tế

2.7.2.Phạm vi các quyền của người thiểu số trong luật quốc tế

2.8.Quyền của một số nhóm người dễ bị tổn thương khác trong luật quốc tế

2.8.1. Quyền của người bản địa (indigenous peoples)

2.8.2. Quyền của người tỵ nạn (refugees)

2.8.3. Quyền của người không quốc tịch (stateless persons)


PHẦN III

CƠ CHẾ QUỐC TẾ GIÁM SÁT VIỆC THỰC THI QUYỀN CỦA MỘT SỐ NHÓM NGƯỜI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG

3.1. Khái quát về cơ chế quốc tế giám sát thực thi nhân quyền

3.1.1.Giám sát theo chế độ báo cáo việc thực hiện một số điều ước quốc tế về nhân quyền.

3.1.2. Giám sát theo các thủ tục trao đổi, tiếp nhận thụng tin về nhân quyền.

3.1.3. Giám sát theo các thủ tục điều tra bất thường (non-conventional investigative procedures)

3.2. Báo cáo thực hiện công ước về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương


KẾT LUẬN, KHUYẾN NGHỊ


TÀI LIỆU THAM KHẢO


PHỤ LỤC

  1. CÔNG ƯỚC VỀ XOÁ BỎ MỌI HÌNH THỨC  PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ CHỐNG LẠI PHỤ NỮ, 1979
  2. CÔNG ƯỚC VỀ QUYỀN TRẺ EM, 1989
  3. CÔNG ƯỚC VỀ QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT, 2007

4.      CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ BẢO VỆ QUYỀN CỦA TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI LAO ĐỘNG DI TRÚ VÀ CÁC THÀNH VIÊN  GIA ĐÌNH HỌ, 1990

5.      ....


Dưới đây là một số đoạn trích trong cuốn sách này:


2.6. Quyền của người lao động di trú theo luật quốc tế

2.6.1.Khái quát lịch sử phát triển của vấn đề quyền của người lao động di trú

Từ giữa thế kỷ XX vấn đề người lao động di trú đã được đề cập trên các diễn đàn quốc tế, trong đó Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là chủ thể đi tiên phong. Điều ước đầu tiên mà ILO thông qua về người lao động di trú là Công ước số 97 năm 1949 về Lao động Di trú. Công ước này yêu cầu các quốc gia thành viên phải đối xử với những người lao động di trú một cách bình đẳng như những người lao động là công dân của nước mình. Năm 1975, ILO thông qua Công ước số 143 về Người di trú trong môi trường bị lạm dụng và việc thúc đẩy sự bình đẳng về cơ hội và trong đối xử với người lao động di trú, trong đó yêu cầu các quốc gia thành viên phải tôn trọng và bảo vệ tất cả các quyền con người của người lao động di trú. Ngoài ra, ILO còn thông qua một số văn kiện khác có liên quan đến vấn đề này, bao gồm Khuyến nghị số 51 về người lao động di trú, năm 1975; Ngoài ILO, từ cuối thập kỷ 1970, Liên Hợp Quốc cũng bắt đầu quan tâm đến việc bảo vệ người lao động di trú. Văn kiện đầu tiên của Liên hợp quốc về vấn đề này là Nghị quyết số 1706 (LIII) ngày 28/7/1972 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC), trong đó lên án việc tuyển dụng trái pháp luật, đưa lậu người lao động vào một số nước châu Âu và tình trạng phân biệt đối xử với người lao động di trú, đồng thời yêu cầu các quốc gia có liên quan phải thi hành những biện pháp để trừng phạt những kẻ vi phạm và ngăn chặn tình trạng này. Cũng trong Nghị quyết này, ECOSOC chỉ thị cho Ủy ban Quyền con người Liên hợp quốc nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy các hoạt động về bảo vệ quyền của người lao động di trú. Cùng năm 1972, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 2920 (XXVII) (ngày 15/11/1972) về thực trạng phân biệt đối xử với người lao động nước ngoài ở một số nước châu Âu và ở một số nơi khác, trong đó kêu gọi chính phủ những nước liên quan thực thi các biện pháp nhằm chấm dứt sự đối xử phân biệt với người lao động di trú trên lãnh thổ nước mình và cải thiện các điều kiện cho việc tiếp nhận người lao động di trú.

Dựa trên hai nghị quyết của Đại hội đồng và Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc, Ủy ban Quyền con người Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 1789 (LIV) ngày 18/5/1973, trong đó hối thúc các quốc gia phê chuẩn các công ước có liên quan của ILO và ký kết những hiệp ước song phương về vấn đề lao động di trú. Nghị quyết này cũng yêu cầu Tiểu ban về Chống Phân biệt Đối xử và Bảo vệ Người thiểu số[1] và Ủy ban về Vị thế của Phụ nữ nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị về các biện pháp cần thực hiện để bảo vệ quyền con người của người lao động di trú. Ngày 16/12/1976, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết số 31/127 về “Các biện pháp cải thiện tình hình và bảo đảm các quyền con người cùng nhân phẩm của người lao động di trú’. Nghị quyết này kêu gọi các quốc gia thực thi những biện pháp thích hợp nhằm ngăn chặn và chấm dứt mọi sự phân biệt đối xử chống lại người lao động di trú cũng như bảo đảm thực hiện có hiệu quả những biện pháp này trên thực tế. Cũng trong Nghị quyết này, Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu các quốc gia tiếp nhận lao động phải  bảo đảm thực hiện có hiệu quả những chính sách liên quan đến đào tạo, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục và đời sống văn hóa cho người lao động di trú cùng những thành viên trong gia đình họ và bảo vệ người lao động của nước mình đang làm việc ở nước ngoài. Trong các nghị quyết tiếp theo (Nghị quyết số 32/120 ngày 16/12/1977 và Nghị quyết số 33/163 ngày 20/12/1978) Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu ECOSOC và Ủy ban Quyền con người Liên hợp quốc phối hợp với ILO, UNESCO và các cơ quan có liên quan khác trong hệ thống Liên hợp quốc trong các hoạt động về bảo vệ quyền của người lao động di trú, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên phê chuẩn Công ước về người lao động di trú (các điều khoản bổ sung) của ILO (Công ước số 143 năm 1975). Đặc biệt, Nghị quyết số 33/163 còn yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc tham khảo ý kiến của các quốc gia thành viên và của ILO về khả năng soạn thảo một điều ước quốc tế về quyền của người lao động di trú.

Trong Nghị quyết số 34/172 ngày 17/12/1979, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định thành lập một Nhóm công tác (mở cho tất các nước thành viên và các tổ chức quốc tế khác cử đại diện tham gia) để soạn thảo Công ước quốc tế về quyền của người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ. Nhóm công tác bắt đầu công việc soạn thảo công ước từ đầu năm 1980 và kết thúc vào tháng 6 năm 1990. Dự thảo công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết số 45/158 ngày 18/12/1990[2]. Ngày 18 tháng 12 sau đó được Liên hợp quốc lấy là Ngày Quốc tế về Người Lao động Di trú[3] nhằm nhắc nhở cộng đồng quốc tế về sự cần thiết và tính cấp thiết phải tôn trọng, thực hiện và bảo vệ các quyền con người của nhóm xã hội này. 

Xét chung, trong hơn nửa thế kỷ qua, đã có hàng trăm văn kiện quốc tế được thông qua trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến quyền và việc bảo vệ quyền của người lao động di trú. Dưới đây là bản tổng hợp những văn kiện cơ bản của ILO và của Liên hợp quốc liên quan đến vấn đề này được thông qua từ trước tới nay.

Các công ước, khuyến nghị trực tiếp của ILO

1.     Công ước số 97 về di trú tìm việc làm (sửa đổi), 1949 

2.     Khuyến nghị chung số 86 về di trú tìm việc làm (sửa đổi), 1949 

3.     Công ước số 143 về người lao động di trú (các điều khỏan bổ sung), 1975 

4.     Khuyến nghị chung số 151 về người lao động di trú, 1975 

5.     Công ước số 118 về bình đẳng trong đối xử (an sinh xã hội), 1962 

6.     Công ước số 157 về duy trì các quyền an sinh xã hội, 1982 

7.     Khuyến nghị chung số 167 về duy trì các quyền an sinh xã hội, 1983

Các công ước, khuyến nghị khác có liên quan của ILO

1.     Công ước số 29 về xóa bỏ lao động cưỡng bức, 1930 

2.     Công ước số 87 về tự do lập hội và bảo vệ quyền được tổ chức, 1948 

3.     Công ước số 98 về quyền được tổ chức và thỏa ước lao động tập thể, 1949 

4.     Công ước số 100 về trả lương bình đẳng, 1951 

5.     Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức, 1957 

6.     Công ước số 111 về chống phân biệt đối xử (việc làm và nghề nghiệp), 1958 

7.     Khuyến nghị chung số 111 về chống phân biệt đối xử (việc làm và nghề nghiệp), 1958 

8.     Công ước số 138 về tuổi lao động tối thiểu, 1973  

9.     Công ước số 169 về các dân tộc thiểu số và bộ lạc, 1989  

10. Công ước số 181 về các cơ sở lao động tư nhân, 1997  

11. Công ước số 182 về xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999 

Các văn kiện có liên quan của Liên hợp quốc

1.     Công ước quốc tế về bảo vệ các quyền của tất cả những người lao động di trú và thành viên trong gia đình họ, thông qua năm ngày 18/12/1990, có hiệu lực từ 1/7/2003.

2.     Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, thông qua ngày 21/12/1965, có hiệu lực từ 4/1/1969.

3.     Công ước về xóa bỏ tất các các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, thông qua ngày 18/12/1979; có hiệu lực từ ngày 3/9/1981.

4.     Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, thông qua ngày 16/12/1966; có hiệu lực từ ngày 3/1/1976. 

5.     Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, thông qua ngày 16/12/1966; có hiệu lực từ ngày 23/3/1976. 

6.     Công ước về quyền trẻ em, thông qua ngày 20/11/1989; có hiệu lực từ ngày 2/9/1990.

7.     Nghị định thư về ngăn chặn, trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm xuyên quốc gia, thông qua ngày 15/12/2000; chưa có hiệu lực.

8.     Nghị định thư về chống buôn lậu người di cư qua đường bộ, đường biển và đường không, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm xuyên quốc gia, thông qua ngày 15/12/2000; chưa có hiệu lực.

Nhìn chung, các nỗ lực và văn kiện quốc tế về người lao động di trú từ trước tới nay tập trung vào ba khía cạnh cơ bản, đó là: (i) Quy định và bảo vệ các quyền của người lao động di trú (tiêu biểu là Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người lao động di trú và gia đình họ); (ii) Hỗ trợ việc làm và bảo vệ người lao động di trú trong những hoàn cảnh bị ngược đãi (tiêu biểu là các Công ước số 97, Công ước số 143 của ILO và bao gồm một phần của Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người lao động di trú và gia đình họ); (iii) Ngăn chặn tình trạng buôn bán người nhập cư (tiêu biểu là Nghị định thư về chống buôn bán người nhập cư bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống các tội phạm xuyên quốc gia). 

2.6.2.Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người lao động di trú và gia đình họ

 Mặc dù hệ thống điều ước quốc tế về quyền của người lao động di trú bao gồm nhiều văn kiện, tuy nhiên, cho đến nay, Công ước quốc tế về quyền của người lao động di trú (MWC) và các thành viên trong gia đình họ vẫn được coi là điều ước quốc tế trực tiếp và toàn diện nhất về vấn đề này.

 Công ước tái khẳng định và cụ thể hóa định nghĩa về người lao động di trú (migrant worker)các thành viên trong gia đình họ. Bên cạnh đó, Công ước quy định một hệ thống quyền con người của người lao động di trú khá toàn diện và cụ thể, đóng vài trò là nền tảng pháp lý cho việc bảo vệ các quyền và lợi ích của người lao động di trú trên thực tế. Đây có thể coi là đóng góp lớn nhất là Công ước với việc bảo vệ nhóm xã hội này, bởi lẽ nhiều quyền quan trọng được nêu trong Công ước chưa hề được các văn kiện quốc tế trước đó chưa đề cập, hoặc mới chỉ được đề cập trong những văn kiện không ràng buộc về mặt nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia. đã được đề cập trong Công ước số 97 của ILO năm 1949, đồng thời bổ sung định nghĩa

Tương tự như với những nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác như phụ nữ, trẻ em, người thiểu số...các quyền con người được quy định trong Công ước quốc tế về quyền của người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ đã tính đến hoàn cảnh và những nhu cầu đặc thù của nhóm. Những quyền đặc thù này chỉ có thể áp dụng với người lao động di trú mà không áp dụng với bất kỳ nhóm xã hội nào khác. Một số quyền tiêu biểu trong đó có thể kể như: Quyền mang theo số tiền kiếm được và tiết kiệm khi hồi hương (Điều 26); Quyền không bị trục xuất tập thể (Điều 22); Quyền được nhận sự hỗ trợ, bảo vệ của một cơ quan ngoại giao hoặc lãnh sự của quốc gia xuất xứ, hoặc của quốc gia đại diện cho lợi ích của quốc gia xuất xứ khi các quyền được thừa nhận trong Công ước này bị vi phạm (Điều 23)...

Khái niệm và phân loại ‘người lao động di trú’

 Điều 2 MWC định nghĩa người lao động di trú...là một người đã, đang và sẽ làm một công việc có hưởng lương tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân.

          Dựa vào tính pháp lý của việc cư trú và lao động, Điều 2 Công ước chia người lao động di trú và các thành viên gia đình họ thành hai loại: có giấy tờ hợp pháp (documented migrant worker) và không có giấy tờ hợp pháp (undocumented migrant worker). Những người lao động di trú được xem là có giấy tờ hợp pháp khi họ được phép vào, ở lại và tham gia làm một công việc được trả lương tại quốc gia nơi có việc làm theo pháp luật quốc gia đó và theo những hiệp định quốc tế mà quốc gia đó là thành viên. Những người lao động di trú được xem là không có giấy tờ hợp pháp khi họ không đáp ứng được các điều kiện đã nêu.

Dựa trên tiêu chí nghề nghiệp, Điều 2 MWC liệt kê 8 dạng đối tượng được coi là lao động di trú, bao gồm:

-         “Nhân công vùng biên” -  chỉ những người lao động di trú thường trú tại một nước láng giềng nơi họ thường trở về hàng ngày hoặc ít nhất mỗi tuần một lần;

-          “Nhân công theo mùa” - chỉ những người lao động di trú làm những công việc có tính chất mùa vụ và chỉ làm một thời gian nhất định trong năm;

-         “Nhân công đi biển” - chỉ những người lao động di trú được tuyển dụng làm việc trên một chiếc tàu đăng ký tại một quốc gia mà họ không phải là công dân, bao gồm cả thủy thủ;

-         “Nhân công làm việc tại một công trình trên biển” - chỉ những người lao động di trú được tuyển dụng làm việc trên một công trình trên biển thuộc quyền tài phán của một quốc gia mà họ không phải là công dân;

-         “Nhân công lưu động” - chỉ những người lao động di trú sống thường trú ở một nước phải đi đến một hoặc nhiều nước khác nhau trong những khoảng thời gian do tính chất công việc của người đó;

-          “Nhân công theo dự án” - chỉ những người lao động di trú được nhận vào quốc gia nơi có việc làm trong một thời gian nhất định để chuyên làm việc cho một dự án cụ thể đang được người sử dụng lao động của mình thực hiện tại quốc gia đó;

-          “Nhân công lao động chuyên dụng” - chỉ những người lao động di trú mà được người sử dụng lao động của mình cử đến quốc gia nơi có việc làm trong một khoảng thời gian hạn chế nhất định để đảm nhiệm một công việc hoặc nhiệm vụ cụ thể mang tính chuyên môn kỹ thuật ở quốc gia nơi có việc làm;

-          “Nhân công tự chủ” - chỉ những người lao động di trú tham gia làm một công việc có hưởng lương nhưng không phải dưới dạng hợp đồng lao động mà thường là bằng cách làm việc độc lập hoặc cùng với các thành viên gia đình của mình, hoặc dưới các hình thức khác mà được coi là nhân công tự chủ theo pháp luật của quốc gia nơi có việc làm hoặc theo các hiệp định song phương và đa phương.

Cũng dựa trên tiêu chí nghề nghiệp, Điều 3 MWC liệt kê những đối tượng không được coi là lao động di trú, bao gồm:

-         Những người được cử hoặc tuyển dụng bởi các cơ quan và tổ chức quốc tế, hoặc bởi một nước sang một nước khác để thực hiện các chức năng chính thức;

-         Những người được cử hoặc tuyển dụng bởi một nước hoặc người thay mặt cho nước đó ở nước ngoài tham gia các chương trình phát triển và các chương trình hợp tác khác;

-         Những người sống thường trú ở một nước không phải quốc gia xuất xứ để làm việc như những nhà đầu tư;

-         Những người tị nạn và không có quốc tịch;

-         Sinh viên và học viên;

-         Những người đi biển hay người làm việc trên các công trình trên biển không được nhận vào để cư trú và tham gia vào một công việc có hưởng lương ở quốc gia nơi có việc làm.

Khái niệm “các thành viên trong gia đình người lao động di trú”

Điều 4 MWC định nghĩa các thành viên trong gia đình người lao động di trú là ...những người kết hôn hoặc có quan hệ tương tự như quan hệ hôn nhân với những người lao động di trú hay con cái và những người khác sống phụ thuộc vào họ mà được công nhận là thành viên của gia đình theo pháp luật hiện hành và theo các hiệp định song phương và đa phương giữa các quốc gia liên quan.

 Các nguyên tắc

MWC được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc chỉ đạo, đó là:

Không phân biệt đối xử (Điều 1): Nguyên tắc này có nghĩa là tất cả các quyền được xác lập trong công ước phải được áp dụng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người lao động di trú; không được tạo ra bất kỳ sự áp dụng hay đối xử khác biệt nào dựa trên bất kỳ yếu tố nào như về dân tộc, chủng tộc, quốc tịch, ngôn ngữ, độ tuổi, địa vị xã hội, nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo, tín ngưỡng, quan điểm xã hội....

Đối xử quốc gia (national treatment) (Điều 25): Nguyên tắc này có nghĩa là các quốc gia phải bảo đảm cho người lao động di trú đang làm việc ở nước mình các quyền như người lao động nước mình đang được hưởng. Theo quy định ở Điều 25, những chế độ áp dụng với người lao động di trú phải “không được kém thuận lợi hơn” so với người lao động là công dân của quốc gia tiếp nhận lao động, cụ thể trong các vấn đề như thù lao, điều kiện làm việc, các tiêu chuẩn tuyển dụng...

Các quyền được áp dụng trong suốt quá trình di trú lao động (Điều 1): Nguyên tắc này có nghĩa là các quốc gia phải bảo đảm quyền của người lao động di trú trong mọi giai đoạn của tiến trình di trú lao động, bao gồm giai đoạn chuẩn bị, trên đường đi đến, khi làm việc ở nước tiếp nhận và khi trở về nước gốc.

Các quyền của người lao động di trú

Phù hợp với thực tiễn đa dạng về nguồn gốc của người lao động di trú cũng như thông lệ pháp luật của các quốc gia, MWC đề cập đến vấn đề quyền của người lao động di trú theo hai hình thức: các quyền con người cơ bản mà tất cả mọi người lao động di trú, bất kể có giấy tờ hợp pháp hay không có giấy tờ hợp pháp[4] và các thành viên gia đình họ đều phải được bảo đảm và các quyền bổ sung áp dụng với những người lao động di trú hợp pháp và các thành viên gia đình họ. Cụ thể như sau:

 Các quyền áp dụng cho mọi người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ

 Các quyền con người áp dụng chung cho mọi người lao động di trú được đề cập trong Phần III (từ Điều 8 đến 32) của Công ước, bao gồm:

o       Quyền sống (Điều 9).

o       Quyền được thừa nhận là thể nhân trước pháp luật (Điều 24).

o       Quyền không bị tra tấn hoặc đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (Điều 10).

o       Quyền không bị bắt làm nô lệ hay nô dịch, bị lao động cưỡng bức hay bắt buộc (Điều 11).

o       Quyền được bảo vệ sự riêng tư (Điều 14).

o       Quyền sở hữu tài sản (Điều 15).

o       Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng, nhận thức và tôn giáo (Điều 12).

o       Quyền tự do ngôn luận (Điều 13).

o       Quyền tự do rời khỏi hoặc trở về bất kỳ quốc gia nào, kể cả nước xuất xứ, vào bất kỳ thời điểm nào (Điều 8).

o       Quyền được nhận sự chăm sóc y tế khẩn cấp cần thiết trên cơ sở đối xử bình đẳng như các công dân của quốc gia liên quan (Điều 28).

o       Quyền có họ tên, được khai sinh và có quốc tịch của trẻ em các gia đình lao động di trú (Điều 26).

o       Quyền của trẻ em các gia đình lao động di trú được tiếp cận giáo dục trên cơ sở đối xử bình đẳng như các công dân của quốc gia mà cha mẹ đang làm việc (Điều 30).

o       Quyền được tôn trọng và duy trì bản sắc văn hoá (Điều 26).

o       Quyền mang theo số tiền kiếm được và tiết kiệm khi hồi hương (Điều 26).

o       Quyền không bị trục xuất tập thể (Điều 22).

o       Quyền được nhận sự hỗ trợ, bảo vệ của một cơ quan ngoại giao hoặc lãnh sự của quốc gia gốc, hoặc của quốc gia đại diện cho lợi ích của quốc gia gốc khi các quyền được thừa nhận trong Công ước này bị vi phạm (Điều 23).

o       Quyền tự do và an toàn cá nhân (Điều 16, 21), bao gồm sự bảo vệ người lao động cư trú và các thành viên trong gia đình họ khỏi bị tùy tiện tịch thu hoặc hủy các giấy tờ tùy thân, giấy nhập cảnh, lưu trú, cư trú, hành nghề hoặc giấy phép lao động.

o       Các quyền trong tố tụng hình sự (Điều 17, 18, 19), bao gồm quyền được đối xử nhân đạo, được xét xử một cách công bằng và được áp dụng những tiêu chuẩn tư pháp của một xã hội văn minh như không bị áp dụng hồi tố, không bị bỏ tù vì không hoàn thành một nghĩa vụ hợp đồng, không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc nhận tội, có quyền bào chữa và được nhận các trợ giúp pháp lý cần thiết...

o       Quyền được đối xử bình đẳng như các công dân của quốc gia tiếp nhận lao động liên quan đến những vấn đề như trả thù lao, điều kiện làm việc, tuyển dụng, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động,  chấm dứt quan hệ lao động, độ tuổi lao động tối thiểu... (Điều 25).

o       Quyền được tham gia công đoàn và các hiệp hội khác được thành lập theo pháp luật (Điều 26).

o       Quyền hưởng an sinh xã hội tương tự như mức độ dành cho những công dân sở tại nếu đáp ứng những yêu cầu trong pháp luật của nước nhận lao động và trong các điều ước song phương, đa phương có liên quan (Điều 27).

Các quyền khác áp dụng riêng cho người lao động di trú có giấy tờ hợp pháp và các thành viên gia đình họ

Ngoài những quyền áp dụng chung, những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ mà có giấy tờ hợp pháp còn được hưởng các quyền khác ghi nhận trong Phần IV của Công ước (từ điều 36 đến 56), bao gồm:

o       Quyền được thông báo đầy đủ về mọi điều kiện liên quan đến việc cư trú và các công việc mà họ sẽ phải làm (Điều 37).

o       Quyền được vắng mặt tạm thời mà không ảnh hưởng đến việc được phép cư trú hoặc lao động (Điều 38).

o       Quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong lãnh thổ của quốc gia nơi có việc làm (Điều 39). 

o       Quyền lập hội và tham gia các nghiệp đoàn tại quốc gia nơi có việc làm (Điều 40).

o       Quyền tham gia vào các vấn đề công cộng, bầu cử và được bầu trong các cuộc bầu cử tại  quốc gia gốc (Điều 41).

o       Quyền được bảo vệ và hỗ trợ để có cuộc sống gia đình hợp nhất (Điều 44).

o       Quyền được chuyển thu nhập và tiết kiệm để chu cấp cho gia đình từ quốc gia nơi có việc làm đến quốc gia gốc hoặc đến bất cứ một quốc gia nào khác (Điều 47).

o       Quyền được đối xử bình đẳng như công dân sở tại trong các vấn đề về thuế (Điều 48).

o       Quyền tự do lựa chọn công việc có hưởng lương (Điều 52)

o       Quyền được đối xử bình đẳng như với công dân của nước sở tại trong các vấn đề về lao động, việc làm (Điều 54, 55)

o       Quyền không bị trục xuất một cách tuỳ tiện (Điều 56)

o       Quyền được hỗ trợ tiếp cận với các thủ tục hay thể chế nhằm thực hiện những nhu cầu, nguyện vọng và các nghĩa vụ đặc biệt của người lao động di trú và các thành viên gia đình họ ở cả quốc gia gốc và quốc gia nơi có việc làm (Điều 42).

o       Quyền được đối xử bình đẳng như công dân của quốc gia nơi có việc làm liên quan đến việc tiếp cận các tổ chức và dịch vụ giáo dục, các dịch vụ hướng nghiệp và việc làm, các cơ sở và tổ chức đào tạo và tái đào tạo nghề, nhà ở, các dịch vụ xã hội và y tế, các hợp tác xã và doanh nghiệp tự quản, đời sống văn hóa (Điều 43).

o       Quyền bình đẳng của các thành viên trong gia đình của người lao động di trú với người dân bản địa trong các vấn đề: (i) tiếp cận với các tổ chức và dịch vụ giáo dục; (ii) tiếp cận với các tổ chức và dịch vụ hướng nghiệp và đào tạo nghề; (iii) tiếp cận với các dịch vụ y tế và xã hội; (iv) tiếp cận và tham gia đời sống văn hóa (Điều 45). 

o       Quyền được miễn các loại thuế và phí xuất nhập khẩu đối với các thiết bị, đồ dùng gia đình và cá nhân, cũng như các dụng cụ và thiết bị cần thiết để làm một công việc có hưởng lương trong các trường hợp (Điều 46).

o       Quyền được cấp giấy phép cư trú trong khoảng thời gian ít nhất bằng với thời hạn được phép làm công việc có hưởng lương (Điều 49).

Theo nguyên tắc chung của luật quốc tế về quyền con người, một số quyền và tự do kể trên, ví dụ như quyền tự do đi lại, tự do lựa chọn nơi cư trú trong lãnh thổ của quốc gia nơi có việc làm, quyền lập hội và các nghiệp đoàn... có thể phải chịu những hạn chế do pháp luật quy định nếu cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hay đạo đức cộng đồng, hay các quyền và tự do của người khác.

Theo Điều 33 Công ước, tùy từng trường hợp cụ thể, người lao động di trú và các thành viên gia đình họ phải được quốc gia xuất xứ, quốc gia nơi có việc làm và quốc gia quá cảnh thông báo về: (a) Các quyền họ có theo quy định của Công ước này; (b) Các điều kiện về việc chấp nhận họ, các quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật và thực tiễn của quốc gia liên quan và những vấn đề khác giúp họ tuân thủ các thủ tục hành chính hay các thủ tục khác tại quốc gia đó. Điều này cũng yêu cầu các quốc gia thành viên phải áp dụng các biện pháp thích hợp để cung cấp những thông tin nói trên một cách miễn phí cho người lao động di trú và các thành viên gia đình họ và trong chừng mực có thể, bằng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu. 

2.6.3.Các tiêu chuẩn của ILO về bảo vệ quyền của người lao động di trú

Trong hệ thống các văn kiện pháp lý do ILO thông qua từ trước đến nay có khá nhiều văn kiện đề cập đến việc bảo vệ người lao động di trú, tuy nhiên, có hai công ước quan trọng nhất đóng vai trò nền tảng, đó là Công ước số 97 về lao động di trú vì việc làm (sửa đổi năm 1949) và Công ước số 143 về người lao động di trú trong hoàn cảnh bị lạm dụng, và về việc thúc đẩy cơ hội và sự đối xử bình đẳng với người lao động di trú (các quy định bổ sung). Đây cũng là hai trong số tám công ước cơ bản của ILO[5].

          Sở dĩ hai công ước kể trên được coi là những điều ước nền tảng của ILO về vấn đề lao động di trú bởi chúng đề cập đến tất cả các vấn đề phát sinh trong toàn bộ quá trình di trú lao động, kể từ khi người lao động ở nước gốc, trong quá trình làm việc ở nước nhận cho đến khi trở về. Tuy nhiên, tương tự như MWC, tầm quan trọng đặc biệt của các công ước này của ILO thể hiện ở chỗ tất cả mọi người lao động di trú đều được bảo vệ bởi các công ước này mà không phân biệt giữa các dạng người lao động di trú cũng như không dựa trên nguyên tắc có đi có lại giữa các quốc gia. Thêm vào đó, các công ước vận động cho việc xây dựng các hợp đồng lao động mẫu ký giữa người lao động di trú và những chủ sử dụng lao động như là một công cụ pháp lý hiệu quả để bảo vệ các quyền của người lao động di trú.

Bên cạnh hai công ước kể trên, còn cần kể đến Khuôn khổ đa chiều về di trú lao động của ILO.(right-based approach) trong đối xử với người lao động di trú mà đã được các quốc gia thành viên của ILO nhất trí thông qua. Mặc dù đây là một văn kiện không có tính ràng buộc pháp lý nhưng có ý nghĩa quan trọng với việc bảo vệ các quyền của người lao động di trú, bởi lẽ nó chứa đựng những nguyên tắc hướng dẫn hành động dựa trên quyền

 Công ước số 97 của ILO

Công ước này được ILO thông qua tại kỳ họp toàn thể lần thứ 30, ngày 8/6/1949, có hiệu lực từ 22/01/1952. Đây không phải là điều ước quốc tế đầu tiên của ILO về vấn đề này, vì nó sửa đổi Công ước về Di trú vì việc làm năm 1939 (được ILO thông qua tại kỳ họp thứ 25 ngày 8/6/1939).

Về mặt nội dung,

Công ước được chia thành hai phần chính. Phần I đề cập đến việc hỗ trợ và bảo vệ người lao động di trú, Phần II đề cập đến việc đối xử bình đẳng với người lao động di trú.

Theo Phần I, các quốc gia thành viên có các nghĩa vụ:

-         Cung cấp thông tin cho Văn phòng Lao động quốc tế, các nước thành viên khác và cho người lao động di trú (Điều 1 và 2). Những thông tin này liên quan đến: (a) những chính sách, pháp luật và quy định của quốc gia về các vấn đề di trú và nhập cư; (b) các quy định đặc biệt việc di trú vì việc làm, các điều kiện làm việc cũng như nghề nghiệp của những người di trú vì việc làm và (c) những thỏa thuận chung và thỏa thuận đặc biệt về các vấn đề mà các nước thành viên đã thông qua. 

-         Hỗ trợ việc đi lại và tiếp nhận người lao động di trú (Điều 4).

-         Duy trì và cung cấp những dịch vụ thích đáng và miễn phí để hỗ trợ những người di trú vì việc làm (Điều 2), trong đó bao gồm dịch vụ y tế và điều kiện sinh hoạt vệ sinh cả khi đi và khi đến, cả với người lao động di trú và với những thành viên trong gia đình họ đi kèm (Điều 4), dịch vụ việc làm (Điều 7).

-         Hợp tác với nhau để chống sự tuyên truyền lệch lạc về các vấn đề di trú và nhập cư (Điều 3). 

Theo Phần II, các quốc gia thành viên có những nghĩa vụ:

-         Áp dụng chế độ đối xử quốc gia với người lao động di trú (tức sự đối xử ở mức không kém hơn sự đối xử với công dân của nước mình) trong các vấn đề về hành chính, tiền công, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, tuổi lao động tối thiểu và về các khía cạnh khác trong quan hệ lao động, kể cả việc gia nhập các công đoàn và tham gia xây dựng, ký kết các thỏa ước tập thể, hay trong các vấn đề về nơi ở, an sinh xã hội, thuế và thủ tục tố tụng... (Điều 6)

-         Cho phép những người di trú vì việc làm được chuyển thu nhập và tiền tiết kiệm của họ ra nước ngoài (Điều 8).

Ngoài những nội dung trên, Công ước còn bao gồm ba Phụ lục đề cập đến những quy định và hướng dẫn cụ thể nhằm bảo vệ các quyền của người lao động di trú.

 Công ước số 143 của ILO

Công ước này được ILO thông qua tại kỳ họp thứ 60, ngày 4/6/1975  và có hiệu lực từ 9/12/1978.

....

2.7. Quyền của người thiểu số theo luật quốc tế

2.7.1. Nhận thức về người thiểu số và sự phát triển của vấn đề quyền của người thiểu số trong pháp luật quốc tế

Khái niệm “người thiểu số” (minorities) từ lâu đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi trong giới luật gia quốc tế. Từ trước đến nay nhiều định nghĩa về người thiểu số đã được nêu ra, tuy nhiên, ba định nghĩa dưới đây có thể cho là tiêu biểu.

Định nghĩa thứ nhất được đưa ra bởi Toà án Công lý quốc tế thường trực (Permanent Court of International Justice – PCIJ, cơ quan tài phán của Hội Quốc Liên), vào năm 1930, khi đưa ra  ý kiến tư vấn về tranh cãi giữa hai nước Hy Lạp và Bungari liên quan đến vị thế của các cộng đồng nhập cư thiểu số ở hai nước này. PCIJ xác định một cộng đồng thiểu số là một nhóm người sống trên một quốc gia hoặc địa phương nhất định, có những đặc điểm đồng nhất về chủng tộc, tín ngưỡng, ngôn ngữ và truyền thống, có sự giúp đỡ lẫn nhau và có quan điểm thống nhất trong việc bảo lưu những yếu tố truyền thống, duy trì tôn giáo, tín ngưỡng và hướng dẫn, giáo dục trẻ em trong cộng đồng theo tinh thần và truyền thống của chủng tộc họ”.

 PCIJ đã có những cố gắng đáng kể để định nghĩa trên được sử dụng như là một định nghĩa chung, chính thức về người thiểu số. Tuy nhiên những nỗ lực không đạt được kết quả. Lý do là bởi những thuộc tính nêu ra trong định nghĩa này quá rộng, đã chạm đến mối lo ngại thường trực của các quốc gia về những rắc rối về an ninh, trật tự xã hội có thể nảy sinh trong các vấn đề liên quan đến người thiểu số.

Hội Quốc Liên chấm dứt hoạt động từ năm 1939, song cuộc tranh luận về khái niệm người thiểu số vẫn được tiếp tục, chỉ khác là diễn ra trên diễn đàn của tổ chức quốc tế mới thay thế nó vào năm 1945 là Liên Hợp Quốc. Định nghĩa thứ hai về người thiểu số sau đó được đưa ra bởi ông Francesco Capotorti, báo cáo viên đặc biệt của Tiểu ban về chống phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số của Liên Hợp Quốc. Trong báo cáo nghiên cứu công bố vào năm 1977, chuyên gia này định nghĩa “người thiểu số” là “...một nhóm người, xét về mặt số lượng, ít hơn so với phần dân cư còn lại của quốc gia, có vị thế yếu trong xã hội, những thành viên của nhóm – mà đang là kiều dân của một nước – có những đặc trưng về chủng tộc, tín ngưỡng hoặc ngôn ngữ khác so với phần dân cư còn lại và chứng tỏ rất rõ ràng là có một ý thức thống nhất trong việc bảo tồn nền văn hoá, truyền thống, tôn giáo và ngôn ngữ của họ’[6].

Như vậy, giống như PCIJ, Francesco cơ bản dựa vào những đặc trưng về chủng tộc, tôn giáo, truyền thống, ngôn ngữ và ý thức thống nhất trong việc bảo tồn các yếu tố truyền thống văn hoá để xác định một nhóm người là thiểu số. Tuy nhiên, so với PCIJ, Francesco đã bổ sung hai thuộc tính mới, đó là về mặt số lượng, một nhóm được coi là thiểu số phải ít hơn so với phần dân cư còn lại của quốc gia; và về mặt vai trò, một nhóm được coi là thiểu số phải có vị thế yếu trong xã hội.

Sự mở rộng các thuộc tính cấu thành nội hàm của một sự vật hoặc hiện tượng đồng nghĩa với việc thu hẹp ngoại diên của nó. Ở một góc độ nhất định, định nghĩa của Francesco khiến cho mối lo ngại của các quốc gia giảm đi, do phạm vi chủ thể được coi là người thiểu số thu hẹp lại. Định nghĩa này trên thực tế đã được các tổ chức quốc tế viện dẫn trong một số trường hợp; tuy nhiên, nó vẫn chưa nhận được sự chấp nhận của các quốc gia như là một định nghĩa chung về người thiểu số trong luật quốc tế.

Trong nỗ lực tìm kiếm một sự đồng thuận về khái niệm người thiểu số, một chuyên gia khác là tên là Jules Deschêness, cũng làm việc cho Tiểu ban về chống phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số của Liên Hợp Quốc, đã đưa ra một định nghĩa khác, trong đó người thiểu số được coi là “...một nhóm công dân của một quốc gia, ít về mặt số lượng và yếu về vị thế trong quốc gia đó, mang những đặc trưng về chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ mà tạo ra sự khác biệt so với nhóm dân cư đa số, có một ý thức thống nhất, một động cơ rõ rệt trong việc sử dụng ý chí tập thể để tồn tại và đạt được mục tiêu bình đẳng với nhóm dân cư đa số, cả trên phương diện pháp luật và thực tiễn”.

Định nghĩa của Jules Deschêness không có sự khác biệt lớn so với của Francesco, ngoài thuộc tính bổ sung đó là một nhóm người được coi là thiểu số phải có một động cơ rõ rệt trong việc sử dụng ý chí tập thể để tồn tại và đạt được mục tiêu bình đẳng với nhóm dân cư đa số, cả trên phương diện pháp luật và thực tiễn. Thuộc tính bổ sung này, về mặt lô gíc, tiếp tục hạn chế phạm vi những đối tượng được coi là “người thiểu số” và bởi vậy, tiếp tục làm giảm bớt lo ngại của các quốc gia. Tuy nhiên, chính bởi thuộc tính bổ sung này mà định nghĩa của Jules Deschêness bị Uỷ ban Quyền con người (nay là Hội đồng Quyền con người) của Liên Hợp Quốc chỉ trích và bác bỏ.

Cho đến thời điểm hiện nay, mặc dù quyền của người thiểu số đã được khẳng định trong ICCPR (Điều 27) và Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo hoặc ngôn ngữ năm 1992, nhưng vẫn chưa có một định nghĩa nào về “người thiểu số” được chính thức xác nhận trong bất cứ văn kiện quốc tế nào của Liên Hợp Quốc[7]. Điều này cho thấy tính chất phức tạp của vấn đề người thiểu số trên thế giới.

Tuy nhiên, tổng hợp những thuộc tính được nêu trong các định nghĩa kể trên cũng như từ nội dung các văn kiện quốc tế có liên quan đến vấn đề người thiểu số, có thể hiểu khái niệm “người thiểu số” qua những đặc điểm cơ bản sau:

+ Những đặc điểm khách quan:

Về số lượng: Có số lượng ít (thiểu số), nếu so sánh với nhóm đa số cùng sinh sống trên cùng lãnh thổ.

Về vị thế xã hội: Là nhóm yếu thế trong xã hội (thể hiện ở tiềm lực, vai trò và ảnh hưởng của nhóm tới đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở lãnh thổ nơi họ sinh sống).

Về bản sắc: Có những đặc điểm riêng về mặt chủng tộc, dân tộc, ngôn ngữ, phong tục tập quán...mà vì thế có thể phân biệt họ với nhóm đa số.

Về vị thế pháp lý: Có thể là công dân hoặc kiều dân của quốc gia nơi họ đang sinh sống.

          + Đặc điểm chủ quan (không bắt buộc khi xem xét): Nhóm cộng đồng đó có ý thức bảo tồn truyền thống văn hoá của mình.

Trên phương diện pháp luật quốc tế, vấn đề bảo vệ người thiểu số được đề ra từ rất sớm, do nó liên quan đến việc bảo vệ kiều dân của các cường quốc ở nước ngoài. Ngay trong quá trình soạn thảo Thoả ước của Hội Quốc Liên (1919), đã có đề xuất ban hành một Thoả thuận bổ sung trong đó yêu cầu các quốc gia phải đối xử bình đẳng và bảo đảm an ninh cho các nhóm thiểu số về chủng tộc, dân tộc đang sinh sống trên lãnh thổ nước mình. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được chấp nhận. Thay cho việc đưa vấn đề bảo vệ người thiểu số vào Thoả ước chung, các quốc gia thành viên Hội Quốc Liên đã nhất trí quan điểm về một số cách thức giải quyết khác, cụ thể là đưa vấn đề vào các thoả ước hoà bình; xây dựng và ủng hộ các hiệp ước song phương đặc biệt nhằm giải quyết những khía cạnh cụ thể của vấn đề người thiểu số, hay bổ sung các điều khoản về vấn đề này vào những hiệp ước song phương hiện có. Bằng cách đó, Hội Quốc Liên đã tạo lập được một hệ thống hàng trăm hiệp ước đa phương và song phương có đề cập đến vấn đề bảo vệ người thiểu số[8]. Hiệu lực của hệ thống văn kiện này được bảo đảm bởi PCIJ. Tuy nhiên, khi Hội Quốc Liên giải thể, cơ chế này cũng không còn hiệu lực.

Thời kỳ đầu mới thành lập, Liên Hợp Quốc không dành sự quan tâm thích đáng đến vấn đề người thiểu số. Đa số các quốc gia thành viên khi đó đều cho rằng vấn đề quyền của người thiểu số đã bao gồm trong vấn đề quyền con người nói chung nên không cần thiết phải xây dựng những văn kiện hay cơ chế riêng cho người thiểu số. Chính vì vậy, năm 1946, khi Hung-ga-ri đưa ra đề xuất ban hành một điều ước quốc tế về người thiểu số, đề xuất này chỉ nhận được rất ít sự ủng hộ. Trong quá trình soạn thảo Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người (1948) cũng có ý kiến nêu rằng cần đưa vào ít nhất một điều khoản đề cập riêng đến quyền của người thiểu số, song đề xuất này cũng không nhận được sự ủng hộ rộng rãi, chủ yếu do tính chất phức tạp của vấn đề.

Tuy nhiên, tương tự như các nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác, cần hiểu rằng người thiểu số cũng là chủ thể bình đẳng của các quyền con người. Quyền của nhóm này liên quan mật thiết đến một số điều của Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, trong đó bao gồm: Điều 18 (về tự do tôn giáo), Điều 19 (về tự do ngôn luận và ý kiến), Điều 20 (về tự do hội họp, lập hội), Điều 26 (về tự do lựa chọn hình thức giáo dục), Điều 27 (về tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng), và đặc biệt là Điều 2 (về nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử trong việc hưởng thụ các quyền con người)...

Mặc dù gặp khó khăn trong việc pháp điển hoá các quyền của người thiểu số vào luật quốc tế, song những nỗ lực quốc tế vận động cho vấn đề này cũng dẫn tới một kết quả quan trọng là việc thành lập Tiểu ban về ngăn ngừa và bảo vệ người thiểu số vào năm 1947. Tuy Tiểu ban này có nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng chức năng chủ yếu của nó là bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người thiểu số. Trong Nghị quyết 217C (III) ngày 10/12/1948, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã khuyến nghị ECOSOC tiến hành những nghiên cứu về vấn đề quyền của nhóm này. Đây là cơ sở để Tiểu ban về ngăn ngừa và bảo vệ người thiểu số tiến hành một loạt công trình nghiên cứu và đưa ra những khuyến nghị quan trọng về quyền của người thiểu số, mà những kết quả nổi bật là việc đưa vào ICCPR một điều khoản riêng về quyền của người thiểu số cũng như thông qua Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo hoặc ngôn ngữ năm 1992 -  những văn kiện mà hiện đang đóng vai trò nền tảng cho việc bảo vệ quyền của người thiểu số trên thế giới.

2.7.2.Phạm vi các quyền của người thiểu số trong luật quốc tế

Theo Điều 27 ICCPR, ở các quốc gia có các nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ, những thành viên của các nhóm thiểu số đó, cùng với các thành viên khác của cộng đồng mình, không bị khước từ quyền có đời sống văn hoá riêng, quyền được theo và thực hành tôn giáo riêng, hoặc quyền được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ.

Như vậy, Điều 27 ICCPR đã ấn định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ các quyền liên quan đến bảo tồn phong tục tập quán; bảo tồn ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết); bảo tồn tôn giáo, tín ngưỡng của các nhóm thiểu số. Tất cả các khía cạnh này, thực chất chỉ nhằm vào một vấn đề chung là bảo tồn bản sắc theo nghĩa rộng nhằm chống sự đồng hoá các nhóm thiểu số.

Liên quan đến quy định của Điều 27, HRC, trong Nhận định chung số 23 thông qua tại phiên họp lần thứ 55 năm 1994 đã giải thích thêm một số khía cạnh, mà có thể tóm tắt những điểm quan trọng như sau:

Thứ nhất: Điều 27 ICCPR đã xác lập một quyền của riêng các nhóm thiểu số (quyền của nhóm), mà có tính chất khác với các quyền cá nhân được ghi nhận trong công ước (đoạn 1). Tuy nhiên, quyền của người thiểu số không trùng lặp với quyền tự quyết dân tộc được nêu ở Điều 1 cũng như với quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng như nêu ở Điều 26 ICCPR (đoạn 2).

Thứ hai: Sự khác nhau giữa quyền tự quyết dân tộc nêu ở Điều 1 và các quyền của người thiểu số nêu ở Điều 27 là ở chỗ, quyền tự quyết dân tộc là quyền tập thể của cả dân tộc, được quy định trong một phần riêng của ICCPR, và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định thư tùy chọn của Công ước; trong khi các quyền nêu ở Điều 27 là quyền của các cá nhân thành viên của các nhóm thiểu số, được quy định trong phần chung về các quyền cá nhân của ICCPR, và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định thư tùy chọn của Công ước (đoạn 3).

Thứ ba: Việc bảo đảm các quyền của người thiểu số nêu ở Điều 27 không làm tổn hại đến chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia thành viên. Một hoặc nhiều khía cạnh của các quyền của cá nhân được bảo vệ theo Điều 27 – cụ thể như quyền được hưởng nền văn hóa riêng của cộng đồng - có thể bao gồm cả những khía cạnh về cách sống của cộng đồng đó mà gắn liền với một vùng lãnh thổ và việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở trên đó. Điều này đặc biệt đúng với các thành viên của các cộng đồng người bản địa mà đồng thời là một nhóm thiểu số (đoạn 3).

Thứ tư: Các quyền được bảo vệ theo Điều 27 cũng không đồng nhất với những quyền được bảo vệ theo Điều 2(1) và Điều 26. Cụ thể, quyền không bị phân biệt đối xử quy định trong Điều 2(1) và quyền bình đẳng trước pháp luật quy định ở Điều 26 được áp dụng cho tất cả các cá nhân ở trong lãnh thổ hoặc nằm trong phạm vi tài phán của một quốc gia, bất kể họ thuộc vào cộng đồng thiểu số hay không, trong khi các quyền quy định ở Điều 27 chỉ áp dụng với những cá nhân thuộc các nhóm thiểu số. Liên quan đến vấn đề này, một số quốc gia thành viên tuyên bố rằng họ không phân biệt về các lĩnh vực dân tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo khi áp dụng các Điều 2(1) và Điều 26 và nhầm lẫn rằng như vậy có nghĩa là họ không có vấn đề gì cần làm thêm liên quan đến quyền của các nhóm thiểu số (đoạn 4).

Thứ năm: Các thuật ngữ được sử dụng trong Điều 27 chỉ rõ rằng những người cần được bảo vệ là những người thuộc một nhóm và có cùng một nền văn hóa, tín ngưỡng và cùng một ngôn ngữ. Thêm vào đó, những thuật ngữ này cũng chỉ rõ rằng các cá nhân cần được bảo vệ không nhất thiết phải là công dân của một quốc gia thành viên. Về mặt này, nghĩa vụ quốc gia phát sinh từ Điều 2(1) cũng là thích hợp, vì một quốc gia thành viên ICCPR được yêu cầu bảo đảm các quyền ghi nhận trong Công ước được áp dụng với tất cả các cá nhân đang ở trong lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của họ, ngoại trừ các quyền chỉ áp dụng cho các công dân nước sở tại, ví dụ như các quyền bầu cử và ứng cử nêu ở Điều 25. Vì vậy, một quốc gia thành viên không thể tự giới hạn việc áp dụng các quyền trong Điều 27 cho những cá nhân thuộc các nhóm thiểu số là công dân của nước mình mà thôi. Nói cách khác, bên cạnh các nhóm thiểu số đồng thời là công dân, quốc gia thành viên phải bảo đảm các quyền quy định trong Điều 27 được áp dụng với các nhóm thiểu số khác như người lao động di trú, khách du lịch nước ngoài... (đoạn 5).

Thứ sáu: Quyền của các cá nhân thuộc một nhóm thiểu số được sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng mình không đồng nhất với các quyền khác về ngôn ngữ được ghi nhận trong ICCPR. Đặc biệt, quyền này phải được phân biệt với quyền tự do ngôn luận nêu ở Điều 19. Quyền tự do ngôn luận ở Điều 19 áp dụng cho tất cả mọi người, bất kể họ thuộc về nhóm thiểu số nào hay không, trong khi quyền về ngôn ngữ trong Điều 27 chỉ áp dụng với thành viên của các nhóm thiểu số cụ thể. Quyền sử dụng ngôn ngữ thiểu số trong Điều 27 cũng không đồng nhất với quyền sử dụng ngôn ngữ trước tòa án nêu ở Điều 14 (3,f). Theo Điều 14 (3,f), không phải bất cứ trường hợp nào cũng cho phép người bị buộc tội có quyền sử dụng ngôn ngữ họ lựa chọn trong quá trình xét xử, trong khi Điều 27 không giới hạn việc sử dụng ngôn ngữ thiểu số ở trong bất cứ môi trường nào (đoạn 5).

Thứ bảy: Bản chất của các quyền được bảo vệ theo Điều 27 là các quyền cá nhân, và khả năng thực hiện chúng phụ thuộc vào việc các nhóm thiểu số có thể giữ gìn được nền văn hóa, ngôn ngữ hay tôn giáo của họ hay không. Do vậy, các quốc gia thành viên cũng cần có các biện pháp tích cực, chủ động để bảo vệ bản sắc của các nhóm thiểu số. Khi thực hiện các biện pháp tích cực như vậy, cần phải tôn trọng quy định ở các Điều 2(1) và Điều 26 và phải bảo đảm mối quan hệ bình đẳng giữa các nhóm thiểu số với nhau và giữa các nhóm thiểu số với bộ phận dân cư còn lại (đoạn 6).

Thứ tám: Quyền về văn hóa nêu ở Điều 27 thể hiện dưới nhiều hình thức, bao gồm cả cách sống và đặc biệt liên quan tới cách sử dụng tài nguyên đất, nhất là trong trường hợp áp dụng với những nhóm người bản địa. Cụ thể, quyền đó có thể bao gồm cả các hoạt động truyền thống như đánh bắt cá, săn bắn thú rừng và quyền được sống trong các khu bảo tồn riêng biệt được luật pháp bảo vệ (đoạn 7).

Thứ chín: Điều 27 đặt ra những trách nhiệm cụ thể đối với các quốc gia thành viên nhằm bảo đảm sự tồn tại và phát triển nền văn hóa, tôn giáo và bản sắc của các nhóm thiểu số, qua đó làm phong phú bộ mặt của toàn xã hội. Vì vậy, việc bảo vệ các quyền trong Điều 27 không được đồng nhất với việc bảo vệ các quyền cá nhân khác nêu ở trong ICCPR (đoạn 9). 

Bên cạnh Điều 27 ICCPR, Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ năm 1992 là một văn kiện quan trọng về quyền của người thiểu số. Văn kiện này cụ thể hoá và mở rộng nội dung Điều 27 của ICCPR cả về phạm vi chủ thể và nội hàm các quyền.

Về mặt chủ thể, Điều 2 (khoản 1) Tuyên bố kể trên đề cập đến thành bốn dạng người thiểu số: thiểu số về sắc tộc (ethnic), tôn giáo (religious), ngôn ngữ (linguistic) và dân tộc (national) (trong khi Điều 27 ICCPR chỉ đề cập đến ba dạng đầu). Về mặt nội hàm của quyền, các khoản 2,3,4,5 Điều 2 Tuyên bố bổ sung một số quyền với người thiểu số, bao gồm: (i) quyền được tham gia vào đời sống chính trị, văn hóa, tôn giáo, xã hội, kinh tế của quốc gia; và (ii) quyền thiết lập và duy trì các mối quan hệ giữa các thành viên của nhóm mình và nhóm khác.

2.8. Quyền của một số nhóm người dễ bị tổn thương khác trong luật quốc tế

2.8.1. Quyền của người bản địa (indigenous peoples)

Vấn đề quyền của người bản địa đã được đề cập từ lâu trong luật quốc tế dưới tên gọi là các dân tộc (peoples) và bộ tộc (tribes) bản địa. Các văn kiện quốc tế quan trọng nhất hiện hành về vấn đề này là Công ước số 169 của ILO về các dân tộc và bộ tộc bản địa ở các quốc gia độc lập năm 1989 và Tuyên bố của Liên hợp quốc về quyền của các dân tộc bản địa năm 2007.

 Theo Điều 1 Công ước 169 của ILO, các dân tộc bản địa được hiểu là “Những dân tộc trong các quốc gia độc lập mà được đề cập như là những người bản địa, trên cơ sở xem xét nguồn gốc của các cộng đồng dân cư định cư ở quốc gia đó, hoặc trên cơ sở khu vực địa lý mà quốc gia đó phụ thuộc vào mà ở thời điểm sự xâm chiếm, thuộc địa hóa hay việc thiết lập đường biên giới hiện tại của quốc gia đó họ là những người, bất kể vị thế pháp lý của họ, đã duy trì được một số hoặc tất cả các thể chế về chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội của riêng cộng đồng mình”. Cũng theo Điều này, các bộ tộc bản địa được hiểu là: “Những bộ tộc trong các quốc gia độc lập mà tình trạng kinh tế, xã hội, văn hóa của họ khác biệt so với các bộ phận dân cư khác ở quốc gia đó, và một phần hay toàn bộ vị thế của họ được quy định bởi các tập tục, truyền thống hay luật lệ, quy tắc đặc biệt của riêng họ”.

Từ hai định nghĩa kể trên, có thể thấy rằng, sự đồng nhất và đặc trưng về mặt văn hóa cùng với nguồn gốc định cư là những yếu tố cốt lõi để xác định một nhóm người là bản địa hay không bản địa.

Với ý nghĩa là những “dân tộc” (peoples), người bản địa được hưởng quyền tự quyết quy định trong Điều 1 ICCPR và ICESCR cũng như trong nhiều văn kiện pháp luật quốc tế khác. Công ước số 169 của ILO (Điều 7) và Tuyên bố của Liên hợp quốc về quyền của các dân tộc bản địa (Điều 3) cũng khẳng định quyền này. Ngoài ra, hai văn kiện đó còn đề cập đến những quyền cụ thể sau đây của người bản địa:

·        Tất cả các quyền con người, kể cả các quyền cá nhân và quyền của nhóm, được quy định trong các văn kiện quốc tế về nhân quyền.

·        Quyền không bị phân biệt đối xử xuất phát từ nguồn gốc hoặc bản sắc bản địa của họ trong việc hưởng thụ tất cả các quyền con người.

·        Quyền được tự trị hoặc tự quản trong những vấn đề nội bộ hoặc địa phương với ý nghĩa là một khía cạnh của quyền tự quyết dân tộc.

·        Quyền duy trì và củng cố những thể chế chính trị, pháp lý, kinh tế, xã hội và văn hóa của dân tộc mình trong khi vẫn được tham gia đầy đủ vào đời sống chính trị, pháp lý, kinh tế, xã hội và văn hóa của cả quốc gia.

·        Quyền có quốc tịch.

·        Quyền sống và an ninh cá nhân về tính mạng, thể chất và tinh thần.

·        Quyền được bảo vệ cuộc sống và bản sắc của cộng đồng mà không bị diệt chủng, bạo lực hay đồng hóa.

·        Quyền được thừa nhận là thành viên của một cộng đồng hay dân tộc bản địa.

·        Quyền được bảo vệ khỏi bị trục xuất hoặc di dời khỏi vùng đất hay lãnh thổ của tổ tiên mà họ đang sinh sống nếu họ không tự nguyện đồng ý.

·        Quyền được thực hành, duy trì và phục hồi các truyền thống văn hóa của dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền được biểu thị, thực hành, phát triển và phổ biến những truyền thống tôn giáo và tư tưởng, phong tục, tập quán của dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền được sử dụng, phát triển, khôi phục và chuyển giao cho thế hệ tương lai lịch sử, ngôn ngữ, phong tục tập quán, tư tưởng triết lý, chữ viết, ấn phẩm văn hóa của dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền được thiết lập và điều hành những cơ chế và thể chế giáo dục riêng để giáo dục trẻ em của dân tộc, cộng đồng mình theo những phương pháp và phong tục truyền thống.

·        Quyền được nhà nước và xã hội tôn trọng các giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử của dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền được thiết lập những kênh truyền thông bằng ngôn ngữ và theo truyền thống của dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền được hưởng đầy đủ các quyền về lao động trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia mà không bị phân biệt đối xử hay bóc lột.

·        Quyền được tham gia vào tiến trình ra quyết định các vấn đề liên quan đến các quyền của họ, thông qua những người đại diện cho họ chọn bằng những thủ tục của họ, cũng như quyền được thành lập những thể chế ra quyết định của riêng dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền được duy trì các cơ chế và thể chế kinh tế, xã hội của riêng dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền được tăng cường các điều kiện sống về kinh tế và xã hội của  dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền được hỗ trợ các nhu cầu đặc biệt của người thiểu số, đặc biệt là của người già, phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên và người khuyết tật.

·        Quyền được đề ra và quyết định những ưu tiên và chiến lược trong việc thực hiện quyền phát triển của dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền với những dược phẩm truyền thống và duy trì những phương pháp chăm sóc sức khỏe truyền thống của dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền được duy trì và củng cố mối quan hệ tinh thần đặc biệt với đất đai truyền thống của dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền về đất đai, lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên mà dân tộc, cộng đồng mình đã chiếm giữ, sở hữu một cách truyền thống.

·        Quyền được thiết lập, thực hiện và duy trì mối liên hệ với các dân tộc bản địa khác.

·        Quyền được bồi thường một cách bình đẳng, công bằng và thích đáng khi nhà nước thu hồi, sử dụng đất đai, lãnh thổ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

·        Quyền được bảo tồn và bảo vệ môi trường trên đất đai, lãnh thổ truyền thống của dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền được hỏi ý kiến khi nhà nước thực hiện các hoạt động quân sự trên đất đai, lãnh thổ truyền thống của dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền được duy trì, quản lý, bảo vệ và phát triển những di sản văn hóa, tri thức và văn hóa truyền thống, nguồn gen, hạt giống, dược liệu... truyền thống của dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền được đề ra và quyết định những ưu tiên và chiến lược trong việc phát triển và sử dụng đất đai, lãnh thổ hoặc các nguồn tài nguyên thiên nhiên truyền thống của dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền tự quyết định bản sắc và tư cách thành viên phù hợp với truyền thống của dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền được xây dựng, duy trì, thúc đẩy các cấu trúc thể chế, phong tục tập quán, truyền thống, thủ tục...đặc thù của dân tộc, cộng đồng mình.

·        Quyền được quyết định trách nhiệm của các cá nhân với cộng đồng.

·        Quyền được ký kết, giám sát và thực thi các điều ước, thỏa thuận với nhà nước hoặc các cơ quan nhà nước.

·        Quyền được tiếp cận với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của nhà nước.

Điều lưu ý là các quyền của người bản địa đề cập ở trên không được cao hơn mà ngược lại, phải phù hợp với các tiêu chuẩn có liên quan trong pháp luật quốc gia và quốc tế. Liên hợp quốc và ILO cũng đồng thời khẳng định rõ, việc thừa nhận và thực hiện các quyền của người bản địa không có nghĩa là thừa nhận, khuyến khích hoặc hợp pháp hóa việc ly khai của các dân tộc bản địa.

2.8.2. Quyền của người tỵ nạn (refugees)

Người tỵ nạn là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương nhất do vị thế đặc biệt của họ: phải lưu lạc tìm nơi sinh sống mới tại đất khách quê người trong hoàn cảnh bị xua đuổi, truy bức. Những người tìm kiếm nơi tị nạn thường phải đối mặt với những thiếu thốn toàn diện về vật chất, tinh thần và những nguy hiểm cận kề, thường xuyên phải đối phó với những mối đe dọa xâm hại về tính mạng, tình dục và nhân phẩm.

Theo tinh thần của Công ước của Liên hợp quốc về người tị nạn năm 1951 (Điều 1 A), khái niệm người tị nạn (refugees) có thể hiểu là những người mà phải chạy ra khỏi đất nước nơi mình có quốc tịch do bị đàn áp vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, dân tộc hoặc do là thành viên của một nhóm xã hội hay chính trị nào đó và không thể hoặc không muốn trở về do  sợ hãi bị đàn áp và có cơ sở rõ ràng cho thấy họ có thể bị đàn áp nếu trở về. Trước khi được một quốc gia khác chấp nhận cho tị nạn, những người này được gọi là người tìm kiếm nơi tị nạn (asylum seekers).[9]

 Liên hợp quốc có những hành động pháp lý đầu tiên để bảo vệ người tị nạn vào năm 1951 bằng cách thông qua Công ước về vị thế của người tị nạn. Công ước này sửa đổi, củng cố và mở rộng nội dung của những hiệp ước quốc tế trước đó như các Thỏa ước ngày 12/5/1926 và ngày 30/6/1928, các Công ước ngày 28/10/1933 và ngày 10/2/1938; Nghị định thư ngày 14/12/1939...về người tị nạn. Một trong những nội dung quan trọng nhất của Công ước là cấm các nước đang cưu mang người tị nạn trục xuất họ khỏi lãnh thổ nước mình, đặc biệt là đẩy họ trở về những lãnh thổ mà họ có thể bị đe dọa về tính mạng và nhân phẩm. Thêm vào đó, Công ước quy định những tiêu chuẩn tối thiểu trong đối xử với người tị nạn mà những quốc gia đang cưu mang họ phải tuân thủ, liên quan đến các vấn đề như vị thế pháp lý, các quyền về động sản và bất động sản, các quyền về sở hữu nghệ thuật và sở hữu trí tuệ, quyền lập hội, quyền tiếp cận với tòa án, quyền tiếp cận với giáo dục và với các nguồn cứu trợ, nhà cửa, việc làm, tự do đi lại…

Điểm hạn chế là Công ước về vị thế của người tị nạn năm 1951 chỉ áp dụng với những người tị nạn do hậu quả của những sự kiện xảy ra ở châu Âu trước ngày 01/01/1951. Tuy nhiên, hạn chế này đã được khắc phục vào năm 1967 khi Liên hợp quốc thông qua Nghị định thư về vị thế của người tị nạn bổ sung Công ước năm 1951. Nghị định thư này đã tạo lập vị thế bình đẳng cho tất cả những người tị nạn theo định nghĩa của Công ước năm 1951 bằng cách mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng sang tất cả những người tị nạn do hậu quả của những sự kiện diễn ra trước và sau 01/01/1951 ở tất cả mọi nơi trên thế giới. Thêm vào đó, Nghị định thư còn mở rộng phạm vi đối tượng người tị nạn sang tất cả những người phải chạy khỏi đất nước mình vì tình trạng xung đột vũ trang hoặc bạo lực.

Kể từ khi được thành lập (1945) đến nay, Liên hợp quốc đã và đang bảo vệ và giúp đỡ hàng trăm triệu người tị nạn trên khắp thế giới, đầu tiên là ở châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai, sau đó là ở các khu vực như Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ La tinh và châu Á. Để bảo đảm công tác bảo vệ và giúp đỡ người tị nạn được tiến hành có hiệu quả, Liên hợp quốc đã thành lập cơ quan Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn the United Nations High Commissioner for Refugees (UNHCR) vào ngày 14/12/1950. UNHCR có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ người tị nạn trên khắp thế giới ngoại trừ những người tị nạn Palestine chạy khỏi các vùng bị Israel chiếm đóng trong những năm 1947-1948 (những người này, khoảng hơn 70 vạn, do Cơ quan của Liên hợp quốc phụ trách công tác và cứu trợ cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông - the UN Relief and Works Agency for Palestine Refugees in the Near East (UNRWA) phụ trách). Tuy nhiên, lưu ý là những người tị nạn Palestine chạy khỏi lãnh thổ do Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh  6 ngày năm 1967 vẫn do UNHCR bảo trợ.

Theo thống kê của UNHCR, số lượng người tị nạn trên thế giới ở mức cao nhất trong các thập niên từ 1950-1980 và đã giảm xuống trong những thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, theo thống kê ở thời điểm tháng 1 năm 2006, trên thế giới vẫn còn 20.751.900 người tị nạn, trong đó có 8.603.600 ở châu Á, 5.169.300 ở châu Phi, 3.666.700 ở châu Âu, 2.513.000 ở châu Mỹ La tinh và vùng Ca-ri-bê, 716.800 ở Bắc Mỹ, 82.500 người ở châu Đại dương[10].

 

....

 


Các tin khác: