ĐỌC SÁCH NHẬP MÔN VỀ DÂN CHỦ
Tài liệu về dân chủ bằng tiếng Việt hiện còn tương đối hạn chế về số lượng. Tuy vậy, với nỗ lực quý báu của một số dịch giả, nhà xuất bản, một số cuốn sách đã có thể giúp bạn đọc có những kiến thức căn bản trong lĩnh vực này. Hiểu biết, tri thức nền tảng mới có thể giúp cho các cuộc thảo luận về dân chủ, cũng như bất kỳ chủ đề nào khác, có chất lượng.


1. Bạn đọc có thể bắt đầu với cuốn cơ bản nhất "Chế độ dân chủnhà nước và xã hội", Phạm Nguyên Trường dịch, Nxb. Tri thức, 2009


Đây thực ra là một cuốn sách giáo khoa cho các trường phổ thông ở Nga, được xuất bản lần đầu năm 1995, sau khi Liên Xô sụp đổ.

Bạn đọc có thể học được từ cuốn sách này những điều hết sức cơ bản: Thế nào là dân chủ? Xã hội và các giá trị dân chủ, xã hội dân sự, các hình thức tổ chức Chính quyền và Nhà nước, văn hoá chính trị và văn hoá quyền lực… Cuốn sách được trình bày rất mạnh lạc và dễ hiểu, kèm theo những minh hoạ sinh động và hấp dẫn.


Chúng ta đang hội nhập vào thế giới hiện đại phong phú, đa dạng nhưng đầy bất trắc. Muốn hợp tác để phát triển và tránh được hiểm nguy thì phải hiểu được người ta, chấp nhận sự khác biệt với mình, thông qua văn hoá, đặc biệt văn hoá chính trị. Một trong những mục tiêu của một nền giáo dục tiên tiến là giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức công dân không những chỉ đối với đất nước mình mà với cả toàn cầu.


“Tất cả chúng ta đều phải học qua trường học dân chủ: Kể cả người vừa bước vào đời cũng như người đã trải qua nhiều kinh nghiệm sống, vì khát vọng tự do có thể là bẩm sinh nhưng thực hành dân chủ thì phải học mới biết. (Lời tác giả)

“Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền lợi. Tất cả mọi người đều được tự nhiên phú cho lí trí và lương tâm và phải đối xử với nhau trong tinh thần bác ái” (Điều 1, Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền)

Mục lục:

Lời nhà xuất bản

Lời giới thiệu

Lời tác giả

Chương 1: Thế nào là dân chủ

Chương 2: Xã hội và các giá trị dân chủ

Chương 3: Quyền con người trong xã hội dân chủ

Chương 4: Nhà nước và chính quyền

Chương 5: Bầu cử - cơ chế thực thi dân chủ quan trọng

Chương 6: Chế độ liên bang và các hình thức tổ chức nhà nước khác

Chương 7: Các đảng chính trị và tổ chức xã hội

Chương 8: Văn hoá và dân chủ

Chương 9: Nước Nga giữa quá khứ và tương lai

Phụ lục: Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền

Từ điển thuật ngữ

Đọc sách tại đây PDF    

2. Một cuốn sách khác, của Robert Dahl (Hoa Kỳ) và cũng tương đối ngắn gọn, thực hiện bởi cùng dịch giả Phạm Nguyên Trường: "Bàn về Dân chủ", 2000

R. Dahl, nhà nghiên cứu chính trị nổi danh, cho rằng có 5 tiêu chí cơ bản để đánh giá dân chủ. Dân chủ phải tạo ra các cơ hội cho:
1. Tham gia một cách hiệu quả
2. Bình đẳng trong quá trình bỏ phiếu
3. Hiểu biết khai sáng
4. Kiểm soát chương trình nghị sự
5. Bao gồm (sự tham gia đầy đủ của) những người đã trưởng thành  

Ông cũng cho rằng, dân chủ là quan trọng vì nó mang lại 10 lợi ích sau:

1. Chế độ dân chủ giúp ta tránh được sự cai trị của những kẻ chuyên chế ác độc và xấu xa.
2. Chế độ dân chủ bảo đảm cho các công dân của nó một số quyền căn bản mà các hệ thống phi dân chủ không và không thể nào bảo đảm được.
3. Chế độ dân chủ bảo đảm cho các công dân của nó có những quyền tự do cá nhân rộng rãi hơn so với bất kì chế độ chính trị khả dĩ nào khác.
4. Chế độ dân chủ giúp người ta bảo vệ những quyền lợi căn bản của chính họ.
5. Chỉ có chính phủ dân chủ mới có thể tạo cơ hội tối đa để người ta tự do thực thi quyền tự quyết – tức là sống trong những luật lệ do chính họ lựa chọn.

6. Chỉ có chính phủ dân chủ mới có thể tạo cơ hội tối đa cho việc thực thi trách nhiệm về mặt đạo đức.
7. Chế độ dân chủ khuyến khích sự phát triển con người một cách đầy đủ hơn bất cứ chế độ chính trị khả dĩ nào khác.
8. Chỉ có chính quyền dân chủ mới có thể khuyến khích quyền bình đẳng chính trị ở mức độ tương đối cao.
9. Các chế độ dân chủ đại diện hiện đại không gây chiến với nhau.
10. Những nước dân chủ có xu hướng thịnh vượng hơn những nước phi dân chủ.

Và giống như nhận định của Churchill, R.Dahl cho rằng "với tất cả những lợi thế như thế, đối với hầu hết mọi người chúng ta, chế độ dân chủ là một cuộc chơi nhiều may, ít rủi hơn rất nhiều so với bất cứ chế độ chính trị khả dĩ nào khác".


Cuốn sách của R.Dahl gồm 4 phần lớn:
I. Giới thiệu
II. Dân chủ lý tưởng
III. Dân chủ thực tiễn
IV. Các điều kiện thuận lợi và bất lợi cho dân chủ

Đọc sách tại đây PDF



Các tin khác: