Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật bắt đầu hoạt động
Ngày 18/1/2016, lễ ra mắt Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.

 

 

Theo Quyết định số 1717/QĐ-TTg (ngày 6/10/2015) của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Chủ tịch Ủy ban; Phó Chủ tịch Ủy ban là Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy viên gồm Thứ trưởng các bộ: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - TT và DL, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông.

 

Đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội người mù Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cũng được mời làm Ủy viên Ủy ban Quốc gia.


Ủy ban có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết những vấn đề liên quan về cơ chế, chính sách để thực hiện công tác người khuyết tật. Cụ thể, Ủy ban nghiên cứu, đề xuất phương hướng, kế hoạch 5 năm và hàng năm, nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện công tác người khuyết tật; chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện công tác người khuyết tật.

 

Bên cạnh đó, Ủy ban chỉ đạo thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về người khuyết tật; thúc đẩy thực hiện Công ước của liên hợp quốc về quyền người khuyết tật và các khuyến nghị thập kỷ châu Á - Thái Bình Dương về người khuyết tật; đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Luật Người khuyết tật và các chế độ, chính sách hỗ trợ người khuyết tật, người làm công tác người khuyết tật; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và cấp cấp thẩm quyền.

 

Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Chủ tịch Ủy ban ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban, Bộ Lao động là cơ quan thường trực.

 

Tại Lễ ra mắt Ủy ban, ngày 18/1, Thứ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Trọng Đàm báo cáo tóm tắt kết quả các hoạt động trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2011- 2015 và định hướng nhiệm vụ năm 2016 và giai đoạn 2016- 2020. Đến nay, cơ bản hệ thống Luật pháp chính sách về NKT tương đối đầy đủ, thống nhất với 1 Luật chuyên ngành (Luật NKT), nhiều Luật có nội dung lồng ghép, 5 Nghị định, 16 Thông tư, 10 quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án.

 

Có mặt tại buổi ra mắt còn có bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; ông Joakim Parker, Giám đốc USAID tại Việt Nam.

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Ủy ban, khẳng định Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam sẽ quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát các văn bản pháp luật, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2016; rà soát, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT theo quy định (2 năm và 4 năm từ ngày phê chuẩn Công ước)…


Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về quyền của Người khuyết tật (CRPD, 2006) vào cuối năm 2014. Công ước được áp dụng theo 8 nguyên tắc gồm: tôn trọng phẩm giá vốn có, sự tự chủ của cá nhân; không phân biệt đối xử; sự tham gia đầy đủ, hiệu quả, hòa nhập với xã hội; tôn trọng và chấp nhận người khuyết tật như một phần của sự đa dạng của nhân loại và nhân văn; bình đẳng về cơ hội; tiếp cận; bình đẳng giữa nam và nữ; tôn trọng những khả năng đang phát triển của trẻ khuyết tật, quyền của trẻ khuyết tật được bảo vệ nét riêng biệt của mình.

 

Theo thống kê của Bộ Lao động, Việt Nam là nước có tỷ lệ người khuyết tật cao thứ tư trong số các nước  khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chiếm 7,8% dân số, tương đương với 6,7 triệu người.


Trong bối cảnh Việt Nam chưa có một cơ quan nhân quyền quốc gia, việc thành lập ủy ban bảo vệ quyền của một nhóm yếu thế (người khuyết tật) có thể coi là một bước tiến tích cực của Chính phủ Việt Nam.

 

K.T

 


 


 



Các tin khác: